Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

Ngành thép có kịp bắt nhịp với ngành sản xuất ô tô?

 

Các xu hướng phát triển của thép ô tô

Trung bình có 900 kg thép trên một chiếc xe ô tô đặc trưng 5 chỗ[1]. Thách thức xưa nay của thép là làm sao chế tạo thép có độ bền cao nhưng lại có khả năng định hình tốt để đảm bảo chất lượng quá trình gia công. Mối quan hệ giữa độ bền và khả năng định hình của thép thường được mô tả bằng biểu đồ đường cong quả chuối như bên dưới (banana-curve), mô tả mối liên hệ giữa độ bền kéo và độ giãn dài. Biểu đồ này cũng tóm tắt các nhóm thép ô tô đã và đang được phát triển hiện nay.

Hình 1: Mối quan hệ giữa độ bền kéo giới hạn (UTS) và độ giãn dài tổng (TE) của các thế hệ thép cường độ cao (Biểu đồ Banana)



Nguồn: Chung JY, Kwon O. Development of high performance auto steels. In: Proceedings of ICTP 2008. Gyeongju-Korea, 7-11 September. 2008. pp. 3-6.

Vùng thép cường độ cao truyền thống (Conventional high strength steel -HSS) nằm gần gốc tọa độ của biểu đồ, vốn có độ bền và độ giãn dài đều thấp, bao gồm các loại như thép IF (Interstitial free), thép cacbon trung bình (mild steel), thép carbon-manganese, thép BH (bake hardening) và thép hợp kim thấp cường độ cao (high strength low alloy steels-HSLA). Loại thép này được phát triển từ thập niên 70-80.

Kế bên vùng này là các chủng loại thép cường độ cao tiên tiến thế hệ một (Generation 1st AHSS): Thép DP (Dual phase steel), thép TRIP (transformation-induced plasticity), thép ferritic-bainitic, thép CP (complex phase), thép martensite (MART), với độ bền rất cao nhưng độ giãn dài có hạn chế. Để khắc phục hạn chế này người ta phát triển các mác thép thép cường độ cao tiên tiến thế hệ hai (Generation 2nd AHSS): Thép TWIP (Twinning-Induced Plasticity), thép AUST SS (Austenitic stainless steel), Thép L-IP® (Al-added lightweight steels with induced plasticity). Các mác thép này có cơ tính tuyệt vời, cường độ cao và khả năng gia công định hình cũng rất cao, nhược điểm là khó sản xuất và chi phí cao. Do đó hiện nay thế giới đang phát triển các mác thép cường độ cao tiên tiến thế hệ ba (Generation 3rd AHSS): Thép DH (cải tiến từ thép DP), thép CH (cải tiến từ thép CP). Loại này hiện đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển.

Thép cường độ cao tiên tiến (Advanced high-strength steels - AHSS) hiện được sử dụng cho hầu hết các thiết kế xe mới. AHSS chiếm tới 60% cấu trúc thân xe ngày nay, tạo nên những thiết kế xe tối ưu, nhẹ hơn nhằm nâng cao tính an toàn và cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu.

Các loại thép cường độ cao tiên tiến mới cho phép các nhà sản xuất ô tô giảm 25-39% trọng lượng các bộ phận của xe và 8-10% trọng lượng toàn bộ xe so với thép thông thường. Khi áp dụng cho một chiếc ô tô gia đình 5 chỗ điển hình (sedan), trọng lượng tổng thể của xe sẽ giảm 100-150 kg, tương ứng với việc tiết kiệm 2-3 tấn khí nhà kính trong tổng vòng đời của xe. Lượng khí thải tiết kiệm này có thể nhiều hơn tổng lượng CO2 thải ra trong quá trình sản xuất tất cả các loại thép được dùng trong xe.

Các loại thép ô tô cần có các đặc tính như yêu cầu cường độ cao nhưng lại có khả năng định hình tốt; yêu cầu độ cứng cao nhưng lại có khả năng hàn tốt; yêu cầu độ cứng vững cao nhưng lại có mức độ hấp thụ lực cao khi xảy ra va chạm. Ngoài ra còn yêu cầu chống móp, chống mỏi và chống ăn mòn tốt...Do các yêu cầu mang tính trái ngược nhau đó nên thép ô tô không giống như thép thông dụng dùng trong ngành xây dựng mà nó có cấu trúc tế vi đặc biệt nhờ vào thành phần hóa, chế độ nhiệt luyện, phương pháp gia công…

Hình 2: Hai vùng chịu lực chính trong thân xe ô tô

Nguồn: Arcelor Mittal

Phần đầu xe và đuôi xe là vùng hấp thụ lực va chạm để bảo vệ cho cabin, vùng này sử dụng thép có độ dẻo dai cao (hay còn gọi là độ bền va đập cao) cho phép biến dạng khi va chạm (Crumple zones/Crash zones). Trong khi khoang hành khách là khu vực được gia cố bằng thép có độ cứng cao, không cho phép biến dạng trong quá trình va chạm (Safety cage).

Hình 3: Ví dụ về các loại thép được sử dụng trong thân xe ô tô

Source: Technology Roadmaps: Intelligent Mobility Technology, Materials and Manufacturing Processes, and Light Duty Vehicle Propulsion, 2017. Center for Automotive Research.

Cột A chỗ vị trí giữa tài xế và khoang hành khách dùng thép có cường độ rất cao để không bị biến dạng dưới lực va chạm, dùng thép 1000-1500MPa, xu hướng hiện nay ngày càng sử dụng nhiều thép dập nóng (Hot Forming/ Hot stamping steels) hoặc thép martensite có cường độ siêu cao lên tới 1500-2000MPa; các dầm kết cấu cản trước (bumper) ở vị trí đầu xe thì cho phép biến dạng khi va chạm để hấp thụ lực va chạm nhằm bảo vệ cho khoang lái và khoang hành khách, nên cản sử dụng thép cường độ thấp hơn, 980-1200MPa. Các tấm vỏ ô tô (body panels) như nắp capo, trần, cốp, cửa, sàn… thì dùng thép cường độ thấp là thép mild steel, thực tế hiện nay vỏ xe cũng có xu hướng dùng thép AHSS chẳng hạn như thép DP để giảm trọng lượng thân xe, nhằm giảm tiêu hao nhiên liệu.

Đây chỉ là một ví dụ về ứng dụng các mác thép, tùy vào thương hiệu ô tô, phân cấp ô tô, thị trường, model …mà thiết kế các mác thép sẽ khác nhau.

Một ví dụ điển hình là cấu trúc vi mô của thép TRIP, chính là điều tiên quyết để tạo ra kiểu cơ tính độc đáo của mác thép này: Gồm ma trận ferit và austenite giữ lại, martensite và bainite được giữ lại hiện diện với số lượng khác nhau.

Hình 4: Cấu trúc vi mô của thép TRIP

Nguồn: World Auto Steel – AHSS Application Guidelines

Các loại mác thép này có chỉ số tăng cứng biến dạng dẻo cao (Strain hardening exponent/ n-value) nên rất phù hợp cho quá trình dập tạo hình. Kết quả là cơ tính của chi tiết thành phẩm sau công đoạn gia công dập tạo hình, đặc biệt là độ bền chảy, cao vượt trội hơn so với cơ tính của phôi ban đầu. Loại thép này đồng thời có cả hiệu ứng tăng cứng trong lò sấy (bake hardening effect) nên Yield strength sẽ tăng thêm sau quá trình sấy sơn. Loại thép này có độ bền mỏi cao và khả năng hấp thụ năng lượng tốt, khi có lực va chạm mạnh thì thành phần austenite giữ lại sẽ chuyển biến tiếp tục thành pha martensite cứng hơn, làm tăng cường độ thép lên cao hơn nên thường được dùng để chế tạo các bộ phận kết cấu và gia cố khung xe ô tô.

Ngành thép vẫn sẽ lạc nhịp so với ngành sản xuất ô tô trong nước?

Dezan Shira & Associates nhận định “Trong 20 năm qua, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ gộp hàng năm là 5% tính theo giá trị thực, cao hơn 1,7 lần so với mức trung bình toàn cầu. Nếu tăng trưởng GDP duy trì ở mức ổn định, dự báo sẽ có thêm 36 triệu người tham gia tầng lớp trung lưu của Việt Nam trong thập kỷ tới. Ngoài ra, số lượng ô tô bình quân trên 1.000 dân cũng đạt khoảng 50, tương đối thấp so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Do đó, nhu cầu ô tô ở Việt Nam được dự báo sẽ bùng nổ với 800.000-900.000 ô tô được bổ sung trên đường mỗi năm vào năm 2025, tăng lên khoảng 1,5-1,8 triệu xe vào năm 2030”[2].

“Trong năm 2022 người Việt đã mua sắm 509.141 xe, tăng 19,4% tương đương 98.751 xe so với năm 2021. Con số này chưa bao gồm doanh số bán xe của các thương hiệu ô tô nhập khẩu như Mercedes-Benz, Audi, Jaguar Land Rover, Volvo, Nissan, MG”[3].

“Mặc dù số lượng xe nhập khẩu vẫn ít hơn so với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tuy nhiên số lượng xe nhập khẩu đã tăng liên tục trong 5 năm qua. Đáng chú ý, số lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam lập kỷ lục liên tiếp vào năm 2021 và 2022 với lần lượt là 160.000 và 173.467 chiếc”. Hai nước Thái Lan và Indonesia chiếp đến 75% lượng xe ô tô xuất khẩu vào Việt Nam, mặc dù là hai quốc gia có quy mô ngành thép nhỏ hơn Việt Nam khá xa.

“Thái Lan là nước sản xuất ô tô lớn xuất khẩu vào Việt Nam. Lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan năm 2022 là 72.032 chiếc. Gần đây hơn, trong tháng 2 năm nay, Việt Nam nhập khẩu 6.066 xe từ Thái Lan, trong đó có 5.385 xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống và 646 xe tải.

Indonesia đang nổi lên là một trong những nước xuất khẩu ô tô lớn nhất sang Việt Nam. Mặc dù số lượng ô tô nhập khẩu không chênh lệch so với Thái Lan nhưng giá trị lại tương đối thấp nếu so sánh. Giá xe nhập khẩu trung bình của Indonesia chỉ 14.000 USD trong khi Thái Lan là 20.000 USD”.

Chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam luôn cao hơn so với các nước trong khu vực, cao hơn Thái Lan và Indonesia khoảng 20%[4]. Lý do một phần lớn nằm ở tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu, thiết bị cho sản xuất ô tô của Việt Nam hiện khá thấp, đạt khoảng 5% trong năm 2020[5] trong khi tỷ lệ này tại Indonesia và Thái Lan hiện đạt trên 40% (Ngoại trừ một số phiên bản như Mazda3, Mazda6 thì tỷ lệ nội địa hóa đã lên 30-40% theo Trường Hải[6]).

Ở Thái Lan và Indonesia, ngay khi sản lượng ô tô tiêu thụ vài trăm ngàn chiếc/năm thì nhiều các nhà sản xuất lớn đã nhảy vào đầu tư các nhà máy sản xuất thép mạ kẽm cho vỏ ô tô (Body panel), chẳng hạn như Nippon Steel và JFE Steel đã đầu tư các dây chuyền mạ kẽm thép tấm sản xuất vỏ ô tô khá sớm ở Thái Lan và Indonesia.

Ở Việt Nam hiện có nhà máy CSVC được đầu tư đồng bộ thiết bị cán và mạ để sản xuất thép cho vỏ ô tô, tuy nhiên sản phẩm cũng chỉ hạn chế ở các mác thép HSLA truyền thống, cường độ cao nhất là HSLA 550MPa chứ chưa có các mác cơ bản như BH, DP, CP…Nhà máy Posco Việt Nam thì chỉ có máy cán và ủ mà không có dây mạ. Sản xuất thép cho ô tô Việt vẫn là câu hỏi để ngỏ khi quy mô nhu cầu thì khá nhỏ trong khi chi phí đầu tư công nghệ và thiết bị sản xuất rất lớn.

Bài viết mang tính chất cá nhân, không đại diện cho các cơ quan và tổ chức tác giả đang làm việc hay cộng tác.


Phan Đình Long



[1] https://worldsteel.org/steel-topics/steel-markets/automotive/

 [2] https://www.vietnam-briefing.com/news/vietnams-imported-car-market-2023.html/

[3] https://thanhnien.vn/o-to-tieu-thu-tai-viet-nam-dat-ky-luc-trong-nam-2022-toyota-ban-chay-nhat-1851541873.htm#

[4] https://e.vnexpress.net/news/business/industries/making-cars-costs-more-in-vietnam-than-other-asean-countries-4019585.html

[5] https://en.diendandoanhnghiep.vn/reason-fornbsp-vietnam-s-low-automobile-localization-rate-n32861.html

[6] https://vietnamnet.vn/sep-lon-o-to-phan-phao-viet-nam-chi-lam-duoc-oc-vit-cho-bien-so-o-to-2114014.html

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2023

Cả thế giới là con nợ, vậy ai là chủ nợ?

Cả thế giới giờ là con nợ, vậy ai là chủ nợ?


Debt cycle
Nguồn: Ray Dalio

Thử xem trên thế giới hiện nay nước nào vay nhiều nhất? Hình bên dưới là top 10 quốc gia có mức nợ lớn nhất hiện tại:

Hình 1: List các quốc gia nợ nước ngoài[1]


Nguồn: Wikipedia

Cần giải thích một chút, đây là giá trị nợ hiện tại mà các quốc gia đang vay nợ từ các cá nhân hay các thực thể kinh tế ngoài đất nước, do thương mại luôn có hai chiều nên các quốc gia này cũng đồng thời cho các quốc gia khác vay nợ. Do đó muốn đánh giá quốc gia nào đang là quốc gia cho vay (tức là thặng dư tài chính) hay là quốc gia đang mắc nợ (tức là làm ra thì ít mà tiêu pha thì nhiều nên phải vay thêm bên ngoài để tiêu) thì phải lấy giá trị mà họ cho vay trừ đi giá trị họ vay, thuật ngữ tài chính gọi là NIIP (net international investment positions). Nếu NIIP dương thì là quốc gia đang làm ra của cải nhiều hơn chi tiêu.

Ở list trên, Mỹ là con nợ khủng nhất với giá trị nợ là 31 ngàn tỷ đô la (USD). Tiếp theo là Anh với 8.7 ngàn tỷ, Pháp với 7 ngàn tỷ, Ý với 2.5 ngàn tỷ (hiện đã lên tới 3 ngàn tỷ!), Canada với 3.2 ngàn tỷ (hiện đã giảm còn 1.2 ngàn tỷ) đô la. Các nước như Đức, Nhật và Trung Quốc tuy có nợ cao nhưng giá trị họ cho vay còn cao hơn nên không tính.

Cả thế giới ai cũng nợ thì tiền đến từ đâu và ai là người cho vay?

Nguồn tiền chủ yếu sinh ra thông qua việc phân bổ lại các khoản tiết kiệm đã có trong nước. Ví dụ, các công ty hưu trí sử dụng tiền tiết kiệm hưu trí và các công ty công nghiệp sử dụng tiền lợi nhuận của công ty để mua trái phiếu của chính phủ (nói cách khác là cho nhà nước vay) hoặc mua trái phiếu có bảo đảm (tức là cho ngân hàng vay tiền và sau đó ngân hàng cho những người nắm giữ tài sản như bất động sản vay tiền). Nếu vẫn còn thâm hụt sau khi phân bổ lại trong các lĩnh vực trong nước, các quốc gia có thể huy động tiền từ các quốc gia có thặng dư tài chính. Điều này không nhất thiết phải ở dạng cho vay; chẳng hạn, quốc gia có thặng dư tài chính có thể mua tài sản như cổ phiếu, bất động sản hoặc trái phiếu của quốc gia bị thâm hụt.

Hình 2: List các công ty thặng dư tài chính hay có NIIP dương


Nguồn: Wikipedia

Các quốc gia vùng vịnh không có trong list này, có lẽ do số liệu tài chính của họ không công khai hoặc không thể thống kê chính xác. Thực tế các quốc gia sản xuất dầu luôn là quốc gia cho vay, là các quốc gia thặng dư tài chính. Ngoài ra các quốc gia có truyền thống thặng dư tài chính cao là Đức, Nhật, Trung Quốc…Hiện tại NIIP cao nhất là Nhật Bản với thặng dư 2.8 ngàn tỷ USD, Đức và Trung Quốc tương đương nhau là 1.6 ngàn tỷ USD[2].

Khủng hoảng kinh tế và chu kỳ thắt mở tín dụng

Có rất nhiều số liệu kinh tế có tương quan với các đợt khủng hoảng kinh tế, trong đó chu kỳ nợ là một trong các yếu tố liên quan mật thiết. Chu kỳ thắt - mở tín dụng cứ lặp lại muôn thuở theo một nguyên tắc là cứ kinh tế suy thoái thì các chính phủ in tiền ra kích thích chi tiêu, ví dụ như Mỹ đã bơm ra thị trường 4 ngàn tỷ đô trong những năm 2008-2014 thông qua các gói QE để kích thích kinh tế sau khủng hoảng tài chính 2008; trong thời kỳ dịch bệnh Covid 2019, trong hai năm 2020-2021 Mỹ cũng đã bơm khoảng 3.5 ngàn tỷ đô ra thị trường. Tiền nhiều trôi nổi bên ngoài chắc chắn sẽ làm giá cả tài sản tăng, lạm phát tăng, các kiểu bong bóng bất động sản hay chứng khoán hình thành. Khi các tài sản tăng giá quá nóng, lạm phát tăng cao lên mức 8-9% như ở Châu Âu và Mỹ, nguy cơ gây đổ bể hoặc bắt đầu có dấu hiệu đổ bể thì các chính phủ vội vã thu tiền về lại hay gọi là thắt chặt tín dụng. Giá tài sản xì hơi, nhà đầu tư chết dở, kinh tế thì trì trệ, ai cũng giữ tiền, không muốn chi tiêu mà cũng chẳng muốn cho ai vay, thế là ta đã nghiễm nhiên ở trong một chu kỳ suy thoái. Nghịch lý là khi ngân hàng cho vay một khoản vay thì lập tức sẽ có một lượng tiền mới xuất hiện trên thị trường, là doanh thu của người này và công ăn việc làm của người kia, còn khi ngân hàng thu tiền về thì tiền cứ thế biến mất chứ không phải là thu về để cho người khác vay. Vì tiền sinh ra từ hư không nên thu về cũng trở thành hư không.

Chu kỳ tín dụng theo công ty Western Asset[3]: Giai đoạn mở rộng (Expansion) thường gắn liền với các tiêu chuẩn cho vay tương đối dễ dàng, nguồn vốn sẵn có, lượng vay mượn gia tăng và số liệu đòn bẩy gia tăng. Suy thoái (Downturn) bắt đầu khi các công ty tranh giành nguồn lực để đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ gia tăng do tăng trưởng kinh tế bị đình trệ. Các tiêu chuẩn cho vay thắt chặt và chi phí đi vay tăng lên. Vốn khả dụng bị giảm và chỉ các thực thể cấp cao nhất mới có thể tiếp cận được. Khi tính thanh khoản giảm đi, các công ty bắt đầu phá sản và tỷ lệ vỡ nợ tăng lên. Giai đoạn sửa chữa (Repair) được ghi nhận khi các công ty có thể ngăn chặn sự suy giảm các điều kiện tín dụng cơ bản bằng cách bổ sung thanh khoản và ổn định bảng cân đối kế toán của họ. Thanh khoản được tăng cường và giảm đòn bẩy bằng nhiều biện pháp bao gồm cắt giảm chi phí, phát hành cổ phiếu và bán tài sản. Khi dòng tiền tự do bắt đầu tăng và tỷ suất lợi nhuận tăng, các công ty bước vào giai đoạn phục hồi (Recovery). Sau khi đã vượt qua giai đoạn khó khăn, các công ty vẫn thận trọng và duy trì sự tập trung vào quản lý bảng cân đối cho đến khi đạt được mức tăng trưởng bền vững, mở ra một giai đoạn mở rộng khác.

Hình 3: Chu kỳ tín dụng 4 pha


Khả năng cao là hiện tại chúng ta đang ở trong giai đoạn sửa chữa. Đã có khá nhiều tín hiệu tốt cho thấy giai đoạn này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023 để mở đầu cho thời kỳ bắt đầu phục hồi vào năm 2024.

Hình 4: Nợ toàn cầu trong 51 năm qua

Để cứu nguy kinh tế trong đại dịch COVID-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra), các nước bơm ra một lượng tiền lớn trong năm 2020, đẩy mức nợ toàn cầu nhảy vọt 29 điểm %, đạt mức 257% GDP vào năm 2020. Sau đó hạ nhiệt giảm nhanh 10% vào 2021 và đã tiếp tục giảm khoảng 12% nữa trong năm 2022 thông qua các biện pháp thắt chặt tín dụng để giảm lạm phát[4]. Tín dụng giảm chắc chắn là kinh tế suy thoái, điều này đã xảy ra trong hai năm 2021-2022, theo kinh nghiệm hai đợt suy thoái trước thì mất khoảng một năm nữa thì kinh tế mới hồi phục, điều này hoàn tương quan với kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất tiếp tục của Fed trong năm 2023. Đồng đô la Mỹ là đồng tiền mạnh, do đó các nước khác muốn nới lỏng tiền tệ thì phải nhìn Fed để làm theo, Fed thắt chặt thì các nước khác đều phải thắt chặt theo, nếu không sẽ bị rơi vào tình cảnh phá giá tiền tệ. Fed nới lỏng thì chắc chắn các nước buộc phải nới lỏng, nếu không đồng nội tệ sẽ tăng giá gây bất lợi cho nền kinh tế. Đó chính là thời điểm mọi cá nhân đều có tiền, giá tài sản tăng, ai cũng cảm thấy giàu có hơn, chi tiêu mạnh hơn, lãi suất giảm mạnh nên các công ty vay tiền nhiều hơn cho đầu tư, đó chính là thời điểm kinh tế phục hồi.

Nhân loại sống chung với nợ đến bao giờ?

Liệu chúng ta có thể sống mà không cần nợ? Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy một thế giới không nợ là một thế giới không tưởng. Bản chất sự thịnh vượng của loài người là nhờ nợ. Thêm nữa, văn hóa chúng ta khuyến khích nợ, đến trẻ con bây giờ cũng biết tiêu dùng nhiều là tốt cho nền kinh tế, là yêu nước. Văn hóa sở hữu tài sản và tiêu dùng luôn được cổ xúy thì làm sao phía kêu gọi tiết kiệm cân bằng lại được. Sinh viên kinh tế nào chẳng được dạy là nợ là tốt, doanh nghiệp không nợ là chưa biết khai thác sức mạnh đòn bẩy tài chính.

Chúng ta cứ trải qua các chu kỳ thắt chặt nợ rồi nới lỏng nợ, kèm theo các nổi đau kinh tế lặp đi lặp lại muôn thuở. Cơ bản là chúng ta giải bài toán khủng hoảng nợ chỉ bằng cách tăng thêm nợ; việc giữ nguyên tỷ lệ nợ hoặc giảm tỷ lệ nợ quốc gia là điều không tưởng. Điều đáng nói là mức nợ cứ ngày càng tăng, hiện là 250% GDP, rồi sẽ tới 500, 1000% GDP…, thế giới sẽ ra sao nếu mức nợ cứ tăng tiếp tục như vậy? Rõ ràng là thế giới vẫn đang phải mò mẩm trong một cuộc thử nghiệm tài chính trên quy mô khổng lồ mà chưa có hồi kết.

Phan Đình Long

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_external_debt

[2] https://en.m.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_net_international_investment_position_per_capita

[3] https://www.westernasset.com/us/en/research/whitepapers/where-are-we-in-the-credit-cycle-2018-01.cfm

[4] https://www.reuters.com/markets/global-debt-sees-first-annual-drop-since-2015-iif-2023-02-22/

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

Review ngắn ngành thép (Phần 2)

 Lên đỉnh năm 2021

Năm 2021 là một năm thành công rực rỡ ngoài mong đợi của ngành thép Việt Nam, chủ yếu hưởng lợi từ nhu cầu xuất khẩu trong tình hình khó khăn của các khu vực sản xuất và tiêu thụ thép lớn như Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ… do đứt chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch bệnh Covid 19. Xuất khẩu thép năm 2021 đạt kết quả rất tốt: 14 triệu tấn thép bán thành phẩm và thành phẩm với trị giá khoảng 12.7 tỷ đô la.

Sản lượng thép thô đạt 23 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2020. Sản lượng thép thành phẩm các loại đạt gần 34 triệu tấn, tăng 19% y-o-y! Trong lúc tiêu thụ trong nước chỉ đạt hơn 22 triệu tấn, giảm 5,5% so với năm 2020.

Vòng xoáy đi xuống 2022

Khởi đầu là lời “tiên tri” u ám từ chủ tịch HP Trần Đình Long vào tháng 5/2022 "cổ đông cứ đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3, quý 4 rồi sẽ thấy. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”[1].

Ngày 30/9/2022 Pomina thông báo ngừng sản xuất lò cao (BF) duy nhất của họ và chỉ còn sản xuất lò điện (EAF)[2].

Ngày 25/10/2022 Thép Miền Nam- VN Steel thông báo cho CB-CNV nghỉ luân phiên dài hạn từ tháng 10-12/2022[3].

Ngày 4/11/2022 Hòa Phát thông báo ngưng sản xuất hai lò cao ở KLH Gang thép Dung Quất và hai lò cao ở KLH Gang thép Hải Dương. Hiện nay Hòa Phát đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương. Như vậy, 4/7 lò cao của Hòa Phát đã dừng hoạt động vì đầu ra chậm. Dự kiến họ sẽ dừng tiếp một lò cao ở Dung Quất trong tháng 12 tới đây[4].

Ngày 11/11/2022 Formosa Hà Tĩnh thông tin sẽ cắt giảm 15% sản lượng do phải chịu tác động bởi tình trạng dư cung thép và đã cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu, song nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu không cao như dự kiến[5].

Nguyên nhân ngành thép suy giảm thì nhiều, trong đó vẫn yếu tố chính vẫn là chính sách thắt chặt tiền tệ đang lan rộng trên toàn cầu, bắt đầu từ ngân hàng trung ương Mỹ, FED để chống lạm phát. Đồng đô la tăng giá mạnh làm cho đồng tiền các nước nhanh chóng mất giá dẫn đến các nước buộc phải thực thi các chính sách tiền tệ như tăng lãi suất ngân hàng, điều chỉnh tỷ giá hối đoái dẫn đến thắt chặt hơn về nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, bên cạnh việc thiếu hụt khí đốt, xăng dầu do cuộc chiến Nga Ukraina…. Nhu cầu về hàng hóa lâu bền như xe ô tô hay đầu tư xây dựng, hạ tầng, công nghiệp trên thế giới giảm mạnh kéo theo giảm nhu cầu thép. Trong nước thì ngành xây dựng và bất động sản chậm lại đáng kể tạo áp lực thêm cho nhu cầu thép nội địa.

Dự báo sản xuất tiêu thụ thép năm 2022 sẽ giảm mạnh từ mức nền cao của năm 2021. Theo báo cáo của Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA), tính cho 10 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm 10 tháng đầu năm 2022 đạt 25,31 triệu tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 23,159 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 5,316 triệu tấn, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái![6]

Đây cũng là xu hướng chung của ngành thép toàn cầu. Theo báo cáo của Hiệp Hội Thép thế giới (WSA) thì sản lượng thép thô 9 tháng đầu năm của 64 quốc gia thuộc hiệp hội giảm 4.3% tương đương 63 triệu tấn[7].

Hình 1: Sản lượng thép thô 9 tháng đầu năm của 64 quốc gia thuộc WSA

Nguồn: WSA

Điều gì đang chờ ở phía trước?

Trước hết, theo IMF thì việc thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ cần cả năm mới thấy hiệu quả, nghĩa là khoảng giữa năm 2023, nếu đảo chiều chính sách thì kinh tế lại mất cả năm nữa mới hồi phục lại mức cũ, nghĩa là giữa năm 2024.

Cuộc chiến Nga Ukraine thì sẽ không dể kết thúc một sớm một chiều khi mà Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục hỗ trợ Ukraine và ông Putin vẫn còn cảm thấy bị đe dọa, mùa đông sắp tới là một thử thách lớn cho cả hai bên, tuy nhiên là chủ nhà thì vẫn có chút ưu thế hơn!

Trung Quốc có một số thông báo nới lỏng chính sách cách ly Covid cho du khách xuất nhập cảnh gần đây, tuy nhiên mức độ rất hạn chế và chưa biết hiệu lực vào ngày nào. Nhiều tin đồn đoán về việc nới lỏng chính sách Zero Covid sẽ thực hiện vào mùa xuân tới hoặc quý II năm 2023. Dù sao thì cả dân chúng TQ và nền kinh tế cũng khó có thể chịu đựng được lâu hơn nữa đối với những chính sách này, rất khó để trì hoãn việc mở cửa lại nền kinh tế.

Mong muốn sớm chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phụ thuộc nặng vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng và bất động sản, nhà ở sang các mô hình bền vững hơn của Trung Quốc khó mà thực thi một sớm một chiều khi mà mới bắt tay thực hiện thi đã hầu như làm tê liệt thị trường BĐS và nhà ở. Gần đây chính phủ đang nỗ lực giải cứu các công ty BĐS đang ngập ngụa trong nợ nần. “Các đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (Local government financing vehicles - LGFV) hiện là bên mua lớn nhất của những dự án dở dang từ các công ty bất động sản vỡ nợ, bao gồm cả China Evergrande Group”[8]. Trung Quốc có kế hoạch rà soát các chính sách giải cứu toàn diện để ngăn chặn khủng hoảng tài sản[9].

Các phiên gần đây cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất toàn cầu[10], điều này chắc chắn sẽ đặt ra những câu hỏi và giải pháp cấp bách cho các nhà quản lý. Do VN còn là một nền kinh tế mới nổi nên tỷ trọng ngành bất động sản và tài chính trong thị trường chứng khoán là khá lớn, biểu đồ dưới đây cho thấy tỷ trọng vốn hóa ngành năm 2020, trong đó tài chính ngân hàng chiếm 29% và BĐS chiếm 24%, tổng tỷ lệ hơn 50%! Tỷ lệ này vào năm 2022 tương ứng là 35.3% và 21.8% . Để thấy mức độ tác động lớn như thế nào đến TTCK nếu cả hai ngành này bị khó khăn!

Hình 2: Cơ cấu vốn hóa toàn thị trường theo ngành 2020


Nguồn: vneconomy.vn[11]

Hình 3: Số công ty niêm yết và mức vốn hóa theo ngành 9/2022

Thị trường trong nước đã có một số tín hiệu tốt như trong phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2022, chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP nếu cần[12].

Ngành thép trong 15 năm trở lại đây thì có ba lần cứ một năm xấu thì có hai năm tốt, như năm 2008, 2011 và 2014. Trường hợp mới nhất là hai năm xấu liên tiếp là năm 2018 và 2019, theo sau là hai năm tốt (ngoài dự kiến do dịch bệnh). Năm 2023 các dự báo đều rất khó khăn tuy nhiên xác suất phục hồi vẫn có nếu các vấn đề đã nêu trên được xử lý tốt.

Xác suất cao nhất là ngành thép phục hồi vào năm 2024 mặc dù đây là năm bầu cử tổng thống Mỹ, sẽ có nhiều chính sách mới tuy nhiên hy vọng là không ảnh hưởng nhiều đến ngành thép như năm 2018-2019.

Bài viết mang tính chất cá nhân, không đại diện cho các cơ quan và tổ chức tác giả đang làm việc hay cộng tác.

Phan Đình Long


Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

Trời vẫn xanh và mây vẫn bay

Ở Mỹ, CPI tháng 5/2022 là 8,5% trong đó CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, là 6,2% so với một năm trước[1]. Chỉ số lạm phát lõi rất cao so với các nước, chẳng hạn Đức, CPI tháng 5/2022 là 7.9% với lạm phát lõi chỉ là 3.8%[2]. Như vậy vấn đề lạm phát ở Châu Âu là giá năng lượng - lạm phát do chi phí đẩy- liên quan trực tiếp tới cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát ở Mỹ còn đau đầu hơn, có lẽ là có đủ cả 3 loại lạm phát chi phí đẩy (cost-push inflation), lạm phát cầu kéo (demand-pull inflation) và cả lạm phát có sẵn (built-in inflation), một dạng lạm phát do kỳ vọng của mọi người, một vòng tròn luẩn quẩn vật giá tăng thì tăng lương, lương tăng lại làm vật giá tăng. Ngày 10/6, Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, cho biết lạm phát diễn ra trên diện rộng ở nhiều danh mục khác nhau, cho thấy vấn đề nằm sâu xa hơn là do sự gián đoạn tạm thời do tắc nghẽn chuỗi cung ứng hoặc do cuộc chiến ở Ukraine[3]. Có lẽ ổng muốn đề cập đến gói cứu trợ covid 19 trị giá 1900 tỷ của ông Biden vào năm ngoái chăng!? Hình ảnh đính kèm cho thấy tình tắc nghẽn tại các cảng chính của TQ và của Châu Âu đã giảm đáng kể.

Để đối phó, Fed chắc chắn duy trì đà tăng lãi suất trong 1-2 năm tới, các nhà kinh tế dự đoán lãi suất Fed sẽ ở vào 3.4% cuối năm 2022, sau đó là 3.8% trong năm 2023 và trở lại 3.4% trong năm 2024. Kế hoạch của Fed là đưa lạm phát về 2.3% vào năm 2024. Các cuộc họp sắp tới của Fed là vào tháng 7, tháng 9, tháng 11 và tháng 12 năm  nay. Như vậy, khả năng rất cao là Fed sẽ thêm 3 lần tăng LS trên 0.5% nữa để đạt mức 3.4%.

Vào ngày 19/6, tổng thư ký NATO, ông Stoltenberg nói rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể còn kéo dài trong nhiều năm[4].

Chính sách zero Covid của TQ sẽ không có gì thay đổi ít nhất cho hết mùa thu năm nay, sau khi hoàn thành đại hội đảng 20.

Rõ ràng là thế giới phải sống chung với những điều này, trước nay đều như vậy! Các pháp vốn vô thường, nền kinh tế cũng vậy, sự ổn định chỉ là nhất thời, biến động là mãi mãi!

Đình Long



[1] https://www.cnbc.com/2022/06/10/consumer-price-index-may-2022.html

[2] https://ycharts.com/indicators/germany_core_inflation_rate

[3] https://www.forbes.com/advisor/investing/why-is-inflation-rising-right-now/

[4] https://www.reuters.com/world/europe/russias-war-ukraine-could-last-years-natos-stoltenberg-says-2022-06-18/