The dawn of the Japanese steel industry
Bất cứ ngành nghề gì cũng không tránh khỏi một quy luật phát triển và suy thoái gọi là Product Life Circle (PLC), các giai đoạn của PLC bao gồm từ giai đoạn hình thành (introduction), kế tiếp là giai đoạn phát triển mạnh (growth), sau đó phát triển chậm lại trong giai đoạn bảo hòa (mature) rồi đến giai đoạn suy thoái (decline). Ngành thép Việt Nam cũng không ngoại lệ, theo nhận định của tác giả, ngành thép Việt Nam vừa mới chỉ qua giai đoạn khởi đầu và bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển (growth).
Product life circle curve (Wikipedia)
Để
hiểu quá trình này vận động như thế nào cũng như các nhân và quả của nó, không
có phương pháp nào đơn giản hơn là quan sát các quá trình phát triển và suy
thoái của các ngành tương tự ở các quốc gia đi trước. Trong loạt bài này, mặc
dù vốn kiến thức khá hạn hẹp, tuy nhiên người viết cũng xin góp đôi điều hiểu biết về quá trình
phát triển của ngành thép Nhật Bản, nhằm giúp những người quan tâm có thêm một
nguồn thông tin tham khảo. Các thông tin tư liệu trong bài đều được tham khảo
từ các nguồn tin cậy, đặc biệt là từ cuốn sách lịch sử thép Nhật Bản – “The Japanese Iron and Steel Industry,
1850-1990: Continuity and Discontinuity” của Seiichiro Yonekura, phát hành
bởi St. Martin's Press năm 1994 – Xin cám ơn tác giả.
Oshima Takato – Cha đẻ của ngành thép Nhật Bản
Vào
thập niên 1850, khi nước Nhật chấm dứt thời kỳ cô lập và mở cửa gia nhập vào
thế giới hiện đại, phần lớn cơ sở sản xuất sắt thép của Nhật Bản có công suất
rất nhỏ và theo công nghệ truyền thống lạc hậu. Trong buổi đầu bình minh này,
ngành thép Nhật đã xác định sẽ tập trung học hỏi công nghệ sản xuất thép của
Châu Âu để phát triển công nghệ sản xuất sắt thép trong nước. Tuy nhiên, cũng
không dể dàng gì cho Nhật Bản khi áp dụng sách lược này. Lúc này nước Nhật
không chỉ thiếu công nghệ, mà còn thiếu chuyên gia công nghệ và kỹ sư người có
thể xây dựng và vận hành nhà máy thép hiện đại. Thiếu vốn cho các dự án quy mô
lớn như một nhà máy thép phức hợp, thiếu công nhân lành nghề, thiếu cả nhân sự cấp
quản lý.
Nhu
cầu thép ở Nhật Bản giai đoạn này đến từ nhu cầu chế tạo vũ khí, thời điểm đó
Nhật Bản đã thấy rõ dấu hiệu thắng thế của phương tây trong cuộc chiến tranh
thuốc phiện năm 1842 giữa Anh và Trung Quốc, mặt khác sự đe doạ trực tiếp từ
Mỹ: năm 1853 phó đề đốc hải quân Mỹ Matthew Calbraith Perry - chỉ huy hải đoàn
Đông Ấn đã đến Nhật Bản yêu cầu mở cửa thông thương với nước ngoài sau 200 nằm thực
hiện chính sách bế quan tỏa cảng của Mạc Phủ Tokugawa.
Chính
quyền Tokugawa nhận thức rõ mức độ cấp thiết của việc hiện đại hóa vũ khí cho
quân đội, đặc biệt là trang bị súng đại bác mạnh cho lực lượng phòng thủ bờ
biển, do đó nhu cầu thép là bức thiết lúc đó, tuy nhiên công nghệ sản xuất thép
truyền thống Tatara không thể đáp ứng được nhu cầu sắt thép lúc bấy giờ. Do đó
họ bắt đầu áp dụng công nghệ của Đức để xây các lò phản xạ sản xuất gang
(reverberatory furnace). Lò phản xạ làm một dạng sơ khai của lò cao, công nghệ
sản xuất gang này được áp dụng rộng rãi ở châu Âu từ thế kỷ 17, khác với lò cao
(blast furnace), lò phản xạ đốt nhiên liệu tách biệt với quặng sắt, do ngọn lửa
được đốt trên bề mặt của khối quặng nên không tối ưu được nhiệt lượng của nhiên
liệu. Tuy vậy, thời điểm đó Nhật Bản xem đây là công nghệ tiên tiến, họ học
công nghệ này từ các cuốn sách tiếng Đức, tại sao là sách tiếng Đức là do lịch
sử của Nhật để lại. Từ năm 1639, chính quyền Tokugawa đã thực thi chính sách bế
quan tỏa cảng, cô lập với thế giới bên ngoài, tuy nhiên họ lại cho phép duy
nhất người Đức có thể đến giao thương buôn bán với người Nhật, đó là lý do tại
sao việc học tiếng Đức rất thịnh hành thời bất giờ tại Nhật Bản. Phải nói rằng
người Nhật học tiếng Đức không phải vì tiếng Đức mà vì muốn học hỏi khoa học
công nghệ từ nước ngoài, và sách vở tiếng Đức như là một nguồn thông tin duy
nhất của thế giới bên ngoài lúc đó. Oshima Takato là một cựu sinh viên trường y
của đại học Nanbu sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề bác sĩ,
giới bác sĩ lúc bấy giờ rất thông thạo tiếng Đức và hầu như là giới có kiến
thức hiện đại nhất của Nhật Bản. Oshima Takato thành lập công ty riêng và đã
xây dựng nhiều lò phản xạ luyện gang lúc bấy giờ, ông cũng là cha của Oshima
Michirato, kỹ sư trưởng đầu tiên của Yawata Works huyền thoại sau này. Do đó
Oshima Takato được xem như là cha đẻ của ngành thép thời hiện đại Nhật Bản, là người
chuyển giao công nghệ sớm nhất ngành thép Nhật. Ông này cũng là người chế tạo
đại bác đầu tiên của Nhật Bản
Thời
kỳ Minh Trị duy tân, chính phủ Nhật Bản cố gắng phát triển ngành công nghiệp
với việc xây dựng nhà máy thép Kamaishi Works ở tỉnh Iwate, đây là nhà máy phức
hợp đồng bộ đầu tiên của Nhật Bản. Các lò cao ở đây cũng được xây dựng dưới sự giám
sát của Oshima. Thời bấy giờ ở Iwate có khoảng 10 lò cao dạng lò phản xạ này,
trong đó vài cái thuộc sở hữu tư nhân. Lò cao đầu tiên ở Kamaishi được xây dựng
vào 1/12/1857 được xem là ngày khởi đầu của ngành thép hiện đại của Nhật Bản.
Nhà máy phức hợp này cũng được xem như là nhà máy thép đồng bộ đầu tiên của
Châu Á.
Năm
1881, Kamaishi sản xuất ra được 5000 tấn gang thì trên thế giới, Anh sản xuất
8.3 triệu tấn gang, Mỹ sản suất 4.2 triệu tấn, Đức sản xuất 2.9 triệu tấn và
Pháp sản xuất được 1.9 triệu tấn gang !
Tuy
nhiên, sau chưa đầy một năm hoạt động, do thua lỗ nên chính phủ phải bán nhà
máy này cho tư nhân.
Yawata Works – Cái nôi của ngành công nghiệp thép Nhật Bản
Căng
thẳng quân sự với Trung Quốc gia tăng trong thập niên 1890, buộc chính quyền
Minh Trị phải tính chuyện xây nhà máy luyện thép thứ hai, đó chính là Yawata
Works (sau này được vinh danh là Imperial Steel Works). Với định hướng du nhập
công nghệ tiên tiến từ châu Âu của Nhật Bản lúc bấy giờ, lò cao Higashida First
Blast Furnace, đặt tại thị trấn Yahata thuộc tỉnh Fukuoka, được thiết kế và chế
tạo bởi một công ty Đức (Gute Hoffnungshütte), đi vào hoạt động 5/2/1901 (cùng
năm thành lập của United States Steel Corporation - USS, công ty thép Mỹ, lớn
nhất thế giới thời đó) nhưng chất lượng sản phẩm rất thấp đi cùng với tiêu hao
than lớn, do đó năm tiếp theo đã bị đình chỉ hoạt động và nhóm chuyên gia Đức
đã bị bãi nhiệm và thay bằng một nhóm chuyên gia địa phương, bao gồm cả Noro
Kageyoshi, sau này được xem là cha đẻ của ngành luyện kim Nhật Bản
Vào
năm 1912, 80% gang thỏi (pig iron) của Nhật Bản được sản xuất ở Yawata. Là một
cụm phức hợp bao gồm một chuổi sản xuất khép kín từ than coke, quặng, iron making và steel making, do đó, Yawata cũng
là nguồn cung 80-90% nhu cầu thép của nước Nhật lúc đó. Phần lớn quặng sắt
được nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Năm
1905, Nhật sản xuất được 125 ngàn tấn gang (pig iron) và 107 ngàn tấn thép thô
(crude steel) thì Mỹ sản xuất 23.3 triệu tấn gang và 20.3 triệu tấn thép thô !
Sản
lượng thép liên tục tăng trưởng sau đó, trước chiến tranh thế giới thứ hai, năm
1943, sản lượng thép Nhật Bản đã đạt 7.65 triệu tấn thép thô, cùng năm thì Mỹ,
Đức, Anh và Pháp sản xuất lần lượt là 80.6, 20.8, 13.2 và 5.2 triệu tấn
Với
tầm quan trọng của mình trong việc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất vũ khí,
trong suốt chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là cuộc chiến Thái Bình
Dương, Yahata luôn là mục tiêu của các cuộc oanh kích của phe đồng minh. Vào
năm 1945, nó được đặt làm mục tiêu cho trái bom nguyên tử thứ hai của Mỹ, tuy
nhiên do mây mù bao phủ nên sau đó máy bay Mỹ phải chuyển sang mục tiêu thứ hai
là Nagasaki.
Sau
chiến tranh thế giới thứ hai, sản lượng thép Nhật Bản tuy có suy giảm vài năm (năm
1946: 0.56 triệu tấn), nhưng đã nhanh chóng lấy lại tốc độ tăng trưởng: Năm
1950 đạt sản lượng 4.84 triệu tấn, năm 1955 đạt 9,4 triệu tấn, năm 1960 đạt
22.14 triệu tấn, tăng trưởng gấp đôi sản lượng sau mỗi năm năm ! Năm 1973 sản
lượng thép Nhật bản ghi nhận một mức cao nhất, 120 triệu tấn! Tỷ lệ sản lượng
thép thô so với toàn thế giới tăng từ chỉ 6.5% năm 1960 lên đến 15.6% năm 1970!
Bên cạnh đó xuất khẩu thép của Nhật Bản cũng tăng trưởng rất nhanh, sản lượng
xuất khẩu thép của Nhật Bản tăng từ 16.1% trên tổng xuất khẩu cả thế giới ở năm
1965, lên đến 28.6% năm 1973 làm cho nước Nhật trở thành nước xuất khẩu thép
lớn nhất thế giới thời bấy giờ.
Thời kỳ bùng nổ các công ty thép tư nhân và công ty phân
phối thép của Nhật Bản
Ở thập niên trước năm 1910, ở Nhật
Bản chỉ có hai tổ hợp (integrated works) sản xuất sắt thép đồng bộ đó là Yawata
Works và Kamaishi Works, Yawata sản xuất gang ra để luyện thép cho chính mình
trong lúc Kamaishi chỉ bán gang thỏi. Hai thập niên tiếp theo là sự nở rộ các
công ty thép dựa trên các nhu cầu của phân khúc chuyên ngành: Sumitomo, Kobe và
Nihon Seiko-sho được thành lập để cung cấp nguyên liệu sắt thép cho hải quân,
trong khi Kawasaki Works được xây dựng để đáp ứng nhu cầu sắt thép cho ngành
đường sắt quốc gia. NKK (Nihon Kokan Kabushiki-kaisha) cung cấp ống thép không
hàn, những sản phẩm mà Yawata không sản xuất.
Vào
thập niên 1900, thép nhập khẩu chiếm đến 70-80% trị thường thép Nhật Bản. Để
cạnh tranh được với thép nhập khẩu, các công ty thép Nhật lúc bấy giờ cần có
các đơn đặt hàng ổn định, đó là lý do cho sự ra đời các công ty bán sỉ, đặc
biệt công ty phân phối lớn như Mitsui. Hai nhà phân phối lớn lúc đó là
Mitsui-gumi và Okura-gumi phân phối đến 50% sản lượng của Yawata Works, ví dụ
năm 1914, Misui phân phối 23.2% sản lượng của Yawata trong lúc Okura-gumi phân
phối đến 24.9% sản lượng Yawata. Làm việc với các công ty bán sỉ có lợi lớn cho
Yawata do họ có thể bố trí sản xuất loạt lớn, mặt khác đối với các nhà bán sỉ
địa phương, nếu họ thuộc hệ thống của Misui, họ sẽ có lợi thế về đàm phán với những
người khổng lồ Yawata và Kamaishi. Mặt khác họ còn được ưu đãi tín dụng dưới
tên của Mitsui. Trước chiến tranh thế giới thứ nhất, thị trường thép Nhật Bản đều
nằm trong tay các nhà phân phối lớn, họ không những phân phối sản phẩm mà còn
sở hữu các công ty cung cấp nguyên liệu ví dụ như các công ty khai thác quặng,
các công ty vận chuyển và bán lại nguyên liệu cho các nhà sản xuất thép.
Những thương vụ sáp nhập đầu tiên
Năm
1934, Hội nghị Hoàng Gia Nhật Bản thông qua một đạo luật thành lập một công ty
thép thuộc sở hữu nhà nước, có tên là Công ty Sắt thép Nhật Bản (Japan Iron
& Steel Co.,Ltd), bao gồm sáp nhập Yawata works và sáu công ty tư nhân lại
với nhau: Wanishi, Kamaishi, Fuji, Kyushu, Toyo và Mitsubishi. Tập đoàn thép
khổng lồ này đã xây dựng thêm nhiều tổ hợp sản xuất thép đồng bộ lớn và hiện
đại. Tuy nhiên trong suốt chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều tổ hợp sản xuất
bị đánh bom thiệt hai nặng, mặt khác thiếu hụt nguyên liệu sản xuất nghiêm
trọng nên, dưới sức ép của cơ quan chiếm đóng phe đồng minh sau chiến tranh, tập
đoàn thép này đã bị giải thể hoàn toàn vào 1950. Tài sản được phân bổ ra để thành
lập 4 công ty tư nhân bao gồm cả hai công ty Yawata và Fuji.
Đất nước Nhật Bản đổ
nát tang thương sau chiến tranh, tuy nhiên, sau đó nền kinh tế của họ lại được
hưởng lợi lớn các cuộc chiến tranh khác, đó là cuộc chiến tranh Triều Tiên
trong thập niên 1950 và 60 cũng như chiến tranh Việt Nam năm 1955 – 1975. Trong
giai đoạn này Nhật Bản như là các căn cứ quân sự bên ngoài của Mỹ, đặc biệt là
các căn cứ trên quần đảo Okinawa, máy bay B52 ném bom Việt Nam cũng xuất phát
từ một trong các căn cứ này. Rất nhiều đơn đặt hàng từ Mỹ để sản xuất vũ khí, tạo
ra một nhu cầu thép lớn. Để đón đầu nhu cầu này, Yawata và Fuji đã xây dựng
thành công nhiều tổ hợp thép hiện đại với quy mô lớn, áp dụng công nghệ sản
xuất hiệu quả cũng như cải tiến công nghệ xử lý nguyên liệu hiện đại giảm tiêu
hao nhiên liệu. Trước nhu cầu về gia tăng quy mô sản xuất, hai công ty Yawata và
Fuji sáp nhập lại với nhau lần thứ hai vào năm 1970, thành lập nên công ty thép
Tân Nhật Bản (Shin Nippon Steel Seitetsu KK), tuy nhiên thường gọi là Nippon
Steel Corporation. Đầu thập niên 1970 thì năng lực sản xuất của Nippon Steel đã
đạt 47 triệu tấn/năm. Năm 1975, Nippon Steel đã vượt qua công ty thép của Mỹ, USS,
để trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Đây là những vụ
M&A trong buổi đầu bình minh ngành thép Nhật Bản, sau này chúng ta sẽ thấy
rằng hợp nhất và liên kết là một trong các chiến lược cạnh tranh được áp dụng
phổ biến nhất trong giai đoạn bảo hòa (mature stage) của ngành thép Nhật Bản.
Nippon Steel cũng
chính là công ty mà có một tầm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển ngành
thép Hàn Quốc mà đặc biệt là Posco.
Đình Long