Cả thế giới giờ là con nợ, vậy ai là chủ nợ?
Thử xem trên thế giới hiện
nay nước nào vay nhiều nhất? Hình bên dưới là top 10 quốc gia có mức nợ lớn nhất
hiện tại:
Hình 1: List các quốc
gia nợ nước ngoài[1]
Nguồn: Wikipedia
Cần giải thích một chút,
đây là giá trị nợ hiện tại mà các quốc gia đang vay nợ từ các cá nhân hay các thực
thể kinh tế ngoài đất nước, do thương mại luôn có hai chiều nên các quốc gia
này cũng đồng thời cho các quốc gia khác vay nợ. Do đó muốn đánh giá quốc gia
nào đang là quốc gia cho vay (tức là thặng dư tài chính) hay là quốc gia đang mắc
nợ (tức là làm ra thì ít mà tiêu pha thì nhiều nên phải vay thêm bên ngoài để
tiêu) thì phải lấy giá trị mà họ cho vay trừ đi giá trị họ vay, thuật ngữ tài
chính gọi là NIIP (net international investment positions). Nếu NIIP dương thì
là quốc gia đang làm ra của cải nhiều hơn chi tiêu.
Ở list trên, Mỹ là con
nợ khủng nhất với giá trị nợ là 31 ngàn tỷ đô la (USD). Tiếp theo là Anh với
8.7 ngàn tỷ, Pháp với 7 ngàn tỷ, Ý với 2.5 ngàn tỷ (hiện đã lên tới 3 ngàn tỷ!),
Canada với 3.2 ngàn tỷ (hiện đã giảm còn 1.2 ngàn tỷ) đô la. Các nước như Đức,
Nhật và Trung Quốc tuy có nợ cao nhưng giá trị họ cho vay còn cao hơn nên không
tính.
Cả thế giới ai cũng nợ
thì tiền đến từ đâu và ai là người cho vay?
Nguồn tiền chủ yếu sinh ra thông qua việc phân bổ lại các khoản tiết kiệm đã có trong nước. Ví dụ, các công ty hưu trí sử dụng tiền tiết kiệm hưu trí và các công ty công nghiệp sử dụng tiền lợi nhuận của công ty để mua trái phiếu của chính phủ (nói cách khác là cho nhà nước vay) hoặc mua trái phiếu có bảo đảm (tức là cho ngân hàng vay tiền và sau đó ngân hàng cho những người nắm giữ tài sản như bất động sản vay tiền). Nếu vẫn còn thâm hụt sau khi phân bổ lại trong các lĩnh vực trong nước, các quốc gia có thể huy động tiền từ các quốc gia có thặng dư tài chính. Điều này không nhất thiết phải ở dạng cho vay; chẳng hạn, quốc gia có thặng dư tài chính có thể mua tài sản như cổ phiếu, bất động sản hoặc trái phiếu của quốc gia bị thâm hụt.
Hình 2: List các công
ty thặng dư tài chính hay có NIIP dương
Nguồn: Wikipedia
Các quốc gia vùng vịnh
không có trong list này, có lẽ do số liệu tài chính của họ không công khai hoặc
không thể thống kê chính xác. Thực tế các quốc gia sản xuất dầu luôn là quốc
gia cho vay, là các quốc gia thặng dư tài chính. Ngoài ra các quốc gia có truyền
thống thặng dư tài chính cao là Đức, Nhật, Trung Quốc…Hiện tại NIIP cao nhất là
Nhật Bản với thặng dư 2.8 ngàn tỷ USD, Đức và Trung Quốc tương đương nhau là
1.6 ngàn tỷ USD[2].
Khủng hoảng kinh tế và chu kỳ thắt mở tín dụng
Có rất nhiều số liệu
kinh tế có tương quan với các đợt khủng hoảng kinh tế, trong đó chu kỳ nợ là một
trong các yếu tố liên quan mật thiết. Chu kỳ thắt - mở tín dụng cứ lặp lại
muôn thuở theo một nguyên tắc là cứ kinh tế suy thoái thì các chính phủ in tiền ra kích thích chi tiêu,
ví dụ như Mỹ đã bơm ra thị trường 4 ngàn tỷ đô trong những năm 2008-2014 thông
qua các gói QE để kích thích kinh tế sau khủng hoảng tài chính 2008; trong thời
kỳ dịch bệnh Covid 2019, trong hai năm 2020-2021 Mỹ cũng đã bơm khoảng 3.5 ngàn tỷ đô ra thị trường. Tiền
nhiều trôi nổi bên ngoài chắc chắn sẽ làm giá cả tài sản tăng, lạm phát tăng, các
kiểu bong bóng bất động sản hay chứng khoán hình thành. Khi các tài sản tăng
giá quá nóng, lạm phát tăng cao lên mức 8-9% như ở Châu Âu và Mỹ, nguy cơ gây đổ bể hoặc bắt đầu có dấu hiệu đổ bể thì các chính phủ
vội vã thu tiền về lại hay gọi là thắt chặt tín dụng. Giá tài sản xì hơi, nhà đầu
tư chết dở, kinh tế thì trì trệ, ai cũng giữ tiền, không muốn chi tiêu mà cũng
chẳng muốn cho ai vay, thế là ta đã nghiễm nhiên ở trong một chu kỳ suy thoái.
Nghịch lý là khi ngân hàng cho vay một khoản vay thì lập tức sẽ có một lượng tiền
mới xuất hiện trên thị trường, là doanh thu của người này và công ăn việc làm của
người kia, còn khi ngân hàng thu tiền về thì tiền cứ thế biến mất chứ không phải
là thu về để cho người khác vay. Vì tiền sinh ra từ hư không nên thu về cũng trở
thành hư không.
Chu kỳ tín dụng theo
công ty Western Asset[3]: Giai
đoạn mở rộng (Expansion) thường gắn liền với các tiêu chuẩn cho vay tương đối dễ
dàng, nguồn vốn sẵn có, lượng vay mượn gia tăng và số liệu đòn bẩy gia tăng.
Suy thoái (Downturn) bắt đầu khi các công ty tranh giành nguồn lực để đáp ứng
các nghĩa vụ trả nợ gia tăng do tăng trưởng kinh tế bị đình trệ. Các tiêu chuẩn
cho vay thắt chặt và chi phí đi vay tăng lên. Vốn khả dụng bị giảm và chỉ các
thực thể cấp cao nhất mới có thể tiếp cận được. Khi tính thanh khoản giảm đi,
các công ty bắt đầu phá sản và tỷ lệ vỡ nợ tăng lên. Giai đoạn sửa chữa
(Repair) được ghi nhận khi các công ty có thể ngăn chặn sự suy giảm các điều kiện
tín dụng cơ bản bằng cách bổ sung thanh khoản và ổn định bảng cân đối kế toán của
họ. Thanh khoản được tăng cường và giảm đòn bẩy bằng nhiều biện pháp bao gồm cắt
giảm chi phí, phát hành cổ phiếu và bán tài sản. Khi dòng tiền tự do bắt đầu
tăng và tỷ suất lợi nhuận tăng, các công ty bước vào giai đoạn phục hồi
(Recovery). Sau khi đã vượt qua giai đoạn khó khăn, các công ty vẫn thận trọng
và duy trì sự tập trung vào quản lý bảng cân đối cho đến khi đạt được mức tăng
trưởng bền vững, mở ra một giai đoạn mở rộng khác.
Hình 3: Chu kỳ tín dụng
4 pha
Hình 4: Nợ toàn cầu
trong 51 năm qua
Để cứu nguy kinh tế trong đại dịch COVID-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra), các nước bơm ra một lượng tiền lớn trong năm 2020, đẩy mức nợ toàn cầu nhảy vọt
29 điểm %, đạt mức 257% GDP vào năm 2020. Sau đó hạ nhiệt giảm nhanh 10% vào
2021 và đã tiếp tục giảm khoảng 12% nữa trong năm 2022 thông qua các biện pháp
thắt chặt tín dụng để giảm lạm phát[4].
Tín dụng giảm chắc chắn là kinh tế suy thoái, điều này đã xảy ra trong hai năm
2021-2022, theo kinh nghiệm hai đợt suy thoái trước thì mất khoảng một năm nữa
thì kinh tế mới hồi phục, điều này hoàn tương quan với kế hoạch tiếp tục tăng
lãi suất tiếp tục của Fed trong năm 2023. Đồng đô la Mỹ là đồng tiền mạnh, do
đó các nước khác muốn nới lỏng tiền tệ thì phải nhìn Fed để làm theo, Fed thắt
chặt thì các nước khác đều phải thắt chặt theo, nếu không sẽ bị rơi vào tình cảnh
phá giá tiền tệ. Fed nới lỏng thì chắc chắn các nước buộc phải nới lỏng, nếu
không đồng nội tệ sẽ tăng giá gây bất lợi cho nền kinh tế. Đó chính là thời điểm mọi cá nhân đều có tiền, giá tài sản tăng, ai cũng cảm thấy giàu có hơn, chi
tiêu mạnh hơn, lãi suất giảm mạnh nên các công ty vay tiền nhiều hơn cho đầu
tư, đó chính là thời điểm kinh tế phục hồi.
Nhân loại sống chung với
nợ đến bao giờ?
Liệu chúng ta có thể sống
mà không cần nợ? Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy một thế giới không nợ là một
thế giới không tưởng. Bản chất sự thịnh vượng của loài người là nhờ nợ. Thêm nữa,
văn hóa chúng ta khuyến khích nợ, đến trẻ con bây giờ cũng biết tiêu dùng nhiều
là tốt cho nền kinh tế, là yêu nước. Văn hóa sở hữu tài sản và tiêu dùng luôn
được cổ xúy thì làm sao phía kêu gọi tiết kiệm cân bằng lại được. Sinh viên
kinh tế nào chẳng được dạy là nợ là tốt, doanh nghiệp không nợ là chưa biết
khai thác sức mạnh đòn bẩy tài chính.
Chúng ta cứ trải qua
các chu kỳ thắt chặt nợ rồi nới lỏng nợ, kèm theo các nổi đau kinh tế lặp đi lặp
lại muôn thuở. Cơ bản là chúng ta giải bài toán khủng hoảng
nợ chỉ bằng cách tăng thêm nợ; việc giữ nguyên tỷ lệ nợ hoặc giảm tỷ lệ nợ quốc gia
là điều không tưởng. Điều đáng nói là mức nợ cứ ngày càng tăng, hiện là 250%
GDP, rồi sẽ tới 500, 1000% GDP…, thế giới sẽ ra sao nếu mức nợ cứ tăng tiếp
tục như vậy? Rõ ràng là thế giới vẫn đang phải mò mẩm trong một cuộc thử nghiệm
tài chính trên quy mô khổng lồ mà chưa có hồi kết.
Phan Đình
Long
[1] https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_external_debt
[2] https://en.m.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_net_international_investment_position_per_capita
[3] https://www.westernasset.com/us/en/research/whitepapers/where-are-we-in-the-credit-cycle-2018-01.cfm
[4] https://www.reuters.com/markets/global-debt-sees-first-annual-drop-since-2015-iif-2023-02-22/