Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

Câu chuyện quy hoạch ngành thép Việt Nam

Câu chuyện quy hoạch ngành thép Việt Nam (Talk of planning of Vietnam iron & steel sector)[1]
Theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Công Thương (BCT) cần hoàn thiện Dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 để trình Thủ tướng xem xét vào quý 4/2017.
Tháng 1/2017, BCT mời tư vấn nước ngoài tham gia tư vấn quy hoạch ngành thép Việt Nam, đến cuối tháng mới chỉ có một đơn vị ngỏ ý. Rồi Vụ công nghiệp nặng (thuộc Bộ Công Thương) đã cho phép kéo dài thời điểm nộp thầu đến cuối tháng 2/2017[2].
Theo mô tả của Bộ Công Thương thì các nhà thầu này sẽ tham gia đấu thầu với nhiệm vụ tư vấn: “làm rõ xu hướng phát triển ngành thép thế giới và khu vực; đồng thời đánh giá khả năng cạnh tranh của ngành thép Việt Nam so với khu vực và trên thế giới cũng như việc lựa chọn nhà thầu, công nghệ và những đánh giá tác động về môi trường”
Không phải câu nệ câu chữ, tuy nhiên nói thuê tư vấn quy hoạch ngành thép là chưa hợp lý, thực chất quy hoạch ngành phải từ chiến lược phát triển ngành mà ra, do đó nếu nói thuê tư vấn chiến lược phát triển ngành thép thì có lẽ là hợp lý hơn. Thứ hai, câu hỏi là bản thân mình muốn cái gì? Mình muốn cái gì còn chưa được phát biểu ra cho rõ thì hỏi người khác tư vấn đường đi cho mình liệu có khả thi?
Mà nếu tư vấn chiến lược phát triển một ngành cho một đất nước càng không phải là chuyện dể, có thể vài ba tháng là ra ngay chiến lược, vấn đề này phải được nghiên cứu sâu sắc, toàn diện, không những về các mặt kinh tế mà quan trọng nhất là về mặt địa chính trị. Do đó, BCT ra đề bài khó mà thời gian chỉ một hai tháng thì phải nói là bất khả thi, chưa nói là liệu có công ty tư vấn nào trên thế giới có toàn diện năng lực để tư vấn chiến lược này?
Nhìn lại quá trình phát triển ngành thép của nước Nhật:
Kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, một đất nước với hạ tầng đổ nát, trong những năm đầu của thập niên 50, chính phủ Nhật Bản đã xác định sản xuất sắt thép là một ngành công nghiệp thiết yếu, là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế. Thời điểm đó nền kinh tế Nhật được kiểm soát bởi chính phủ (controlled economy) trước khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường (market economy) vào giữa thập niên 60. Lúc đó chính phủ Nhật Bản điều hành nền kinh tế một cách gián tiếp bằng cách kiểm soát việc cung cấp nguyên vật liệu thô, kiểm soát công đoạn sản xuất cũng như công đoạn phân phối sản phẩm. Các chính sách công nghiệp (industrial policy) thời điểm đó chủ yếu nhằm vào việc phân bổ tài trợ vốn cho việc đầu tư để phát triển công nghiệp trong nước, trong đó tập trung tài trợ vốn cho các ngành sắt thép, cung cấp điện và đóng tàu (Iron & Steel, Electric Power, and Shipbuilding).
Sở dĩ Nhật phải ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sắt thép trước tiên, là do thép là nguyên liệu cơ bản và tối cần thiết cho tất cả các ngành công nghiệp khác (generative sector), như chế tạo xe hơi, phương tiện vận tải, đóng tàu, chế tạo máy móc thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng & nhà cửa cũng như sản xuất hàng điện máy gia dụng. Đó cũng là tiền đề để Nhật Bản nhanh chóng trở thành một cường quốc công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu đạt 714 tỷ USD trong năm 2014.
Chiến lược phát triển ngành thép của Nhật lúc đó là tập trung nhập khẩu công nghệ sản xuất của Châu Âu Và Mỹ, phát triển các tổ hợp sản xuất thép hiện đại (integrated steel plants) nằm gần cảng biển, nhập khẩu nguyên liệu thô, chế biến sản xuất ra thành phẩm,  sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu một phần ra thế giới. Được hỗ trợ của chính sách đúng đắn từ chính phủ, chỉ chưa đầy 20 năm sau, vào năm 1970 xuất khẩu sắt thép của Nhật Bản đã dẫn đầu trong các lĩnh vực xuất khẩu với giá trị xuất khẩu 2.8 tỷ USD, chiếm 14.7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Sản lượng thép Nhật Bản đã đạt đỉnh vào năm 1973 với 120 triệu tấn, xuất khẩu sắt thép đã đạt đỉnh vào năm 1974 , chiếm tới 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản lúc đó. Bên cạnh đó chính phủ Nhật Bản áp dụng các chính sách đồng bộ khác như hàng rào thuế quan, ưu đãi lãi suất… nhằm thúc đẩy sản xuất thép trong nước, hạn chế nhập khẩu. Điển hình trong năm 1970, kim ngạch nhập khẩu sắt thép của Nhật Bản chỉ 276 triệu USD
Người Nhật đã có hơn một thế kỷ kinh nghiệm sản xuất sắt thép từ thời kỳ Edo. Ngay từ thời Minh Trị -Meiji - (1867-1912) Nhật Bản đã chuyển đổi từ kỹ thuật luyện thép truyền thống Tatara fuki, vốn luyện thép từ sand iron, tách quặng ra khỏi đất đá bằng cách cho dòng nước chảy từ đỉnh đồi xuống, sang công nghệ tiên tiến hơn là công nghệ lò cao (blast furnace). Vào năm 1901 lò blast furnace đầu tiên của Nhật Bản được xây dựng ở làng Yawata, hình thành nên Yawata steel works, với công nghệ và kỹ sư của Đức, nhà thầu Gute Hoffnungshutte Co (GHH), đầu tiên lò cao này hoạt động không thành công, sau đó kỹ sư Nhật đã cải tiến lại và hoạt động hiệu quả, giai đoạn này cũng đánh dấu năng lực Nhật Bản tự phát triển công nghệ sản xuất thép của họ. Công trình mà sau này được gọi là Xưởng thép Hoàng Đế (Imperial Steel Works) và đã được đưa vào di tích lịch sử và được UNESCO công nhận năm 2009. Do đó, họ đã có khả năng làm việc với nhau để tìm ra con đường phát triển của riêng họ. Thứ hai, họ đã đáp ứng hợp lý các thay đổi của môi trường kinh tế quốc tế thời kỳ hậu chiến, bằng cách tích cực cũng cố công nghệ trong nước và đã có một quyết định rất đúng đắn đó là ưu tiên nhập khẩu công nghệ của nước ngoài. Thứ ba, sự biến mất của nhu cầu quân sự thời hậu chiến cho phép các ngành công nghiệp sắt thép trở lại phát triển đúng vai trò bản chất của nó là cung cấp nguồn vật liệu cơ bản cho các ngành công nghiệp khác để xây dựng đất nước và nâng cao cuộc sống của nhân dân. Thứ tư, quá trình tái cấu trúc nền công nghiệp Nhật Bản thời bấy giờ đã tạo nên vai trò dẫn đầu to lớn cho các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất và công nghiệp chế tạo máy, là tiền đề trong việc tạo ra một môi trường công nghiệp và công nghệ lý tưởng cho các nghiên cứu sáng tạo trong ngành thép ngày càng phát triển.
Từ các chính sách công nghiệp tập trung vốn cho phát triển ngành công nghiệp sắt thép đó mà Nhật Bản phát triển từng tổ hợp sản xuất đồng bộ sắt thép (integrated steelworks) rất hiệu quả, như Nagasaki, Fuji, NKK, Kawasaki, Kobe, Aichi, Nissin, Nippon steel, Sumitomo…, từ 10 cái ở năm 1955, lên đến 24 cái vào năm 1975. Hiện tại đã giảm xuống còn khoảng 15 cái, phần lớn thuộc về hai tập đoàn Nippon Steel và JFE Holdings.
Ngày nay, Nhật Bản luôn là nước đứng thứ hai về sản xuất thép trên thế giới. Năm 2014, sản xuất thép đạt 110 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 41.2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu thép là 36.1 tỷ USD, chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế. Nhập khẩu chỉ 9.2 triệu tấn, kim ngạch 9.3 tỷ USD, chiếm 1.2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Ta thấy rằng, kim ngạch xuất khẩu sắt thép của Nhật Bản đã suy giảm từ những năm 80, cụ thể năm 1988, kim ngạch xuất khẩu sắt thép của Nhật Bản chỉ đạt 5.8% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Năm 2014 chỉ đạt 5% như đã nêu trên. Sở dĩ như vậy là bởi Nhật Bản sau khi tập trung phát triển các ngành công nghiệp nặng, hóa chất và đóng tàu thì dần dần chuyển đổi sang phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn như ngành thiết bị, linh kiện điện tử, máy vi tính, điện thoại, xe hơi, chế tạo máy móc, lọc dầu…
Tuy nhiên, các lĩnh vực nhập khẩu, xuất khẩu và kể cả sản xuất của ngành công nghiệp thép Nhật Bản hiện nay cũng đã bão hòa và đang suy giảm theo như mô hình đàn nhạn bay "flying geese" mà giáo sư Akamatsu Kaname từng mô tả, dù vậy, họ đã từng là một quốc gia dẫn đầu về công nghệ luyện thép ngay từ những năm cuối của thập niên 70, Nhật Bản ngày nay trở thành một trong những nguồn công nghệ chính cho ngành thép các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia đang phát triển khác, trong đó có cả Việt Nam.
Tiếp theo chúng ta sẽ nghiên cứu xem quá trình phát triển ngành thép của Hàn Quốc, mà đặc biệt là của tập đoàn POSCO, để thấy rằng con đường phát triển của họ cũng gần giống một chiến lược như của Nhật Bản. Quá trình phát triển ngành thép Hàn Quốc bị tác động cũng như hưởng lợi về mặt yếu tố quan hệ quốc tế thời điểm đó (chiến tranh lạnh) cũng như các yếu tố địa chính trị nhiều hơn.

Đình Long



[1] http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tu-van-nuoc-ngoai-khong-man-ma-voi-quy-hoach-nganh-thep-54588.html
[2] http://www.moit.gov.vn/vn/pages/Tinchuyende.aspx?Machuyende=TLCV&IDNews=9046