Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng như thế nào đến ngành tôn mạ kẽm Việt Nam?


How does the US-China trade war affect the galvanizing industry in Vietnam?
Photo: Tôn Đông Á
Mỹ áp thuế 25% lên các sản phẩm thép nhập khẩu hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến Trung Quốc.
Đã từ lâu ngành thép Trung Quốc đã tiến hành mở rộng các thị trường mới và giảm dần tỷ trọng thép xuất khẩu vào Mỹ, còn vì lý do là từ trước đến nay Mỹ vẫn luôn áp đặt thuế quan cao lên các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo dữ liệu của Bộ thương mại Hoa Kỳ (D.O.C.) thì trong năm 2017 Mỹ chỉ nhập khẩu một lượng nhỏ thép của Trung Quốc, khoảng 689.450 tấn, chiếm khoảng 2% sản lượng thép nhập khẩu.
Bảng 1: Nhập khẩu thép trong 5 năm gần đây của Mỹ, ĐVT: Tấn
Nguồn: Cục thống kê Hoa Kỳ
Theo báo cáo của tháng 6/2018 của bộ phận giám sát thương mại quốc tế thuộc DOC thì lượng thép Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc cũng là 2%.
Nguồn: Cục thống kê Hoa Kỳ
Trong quý 1/2018, Mỹ nhập khẩu 79% lượng thép từ 10 quốc gia trên, trong đó Canada (20%) và Brazil (13%) luôn xếp đầu bảng trong các năm gần đây, kế theo là South Korea và Mexico (11%). Chúng ta thấy thép nhập từ Trung Quốc chỉ chiếm có 2%.
Có vẻ như Mỹ đánh thuế thép nhập khẩu nặng một phần lớn là trực tiếp đánh lên các đồng minh truyền thống như Canada, Brazi, Mexico, South Korea và Nhật Bản vốn luôn chiếm tỷ trọng cao trong lượng thép xuất vào Mỹ.
Một phần có vẻ Mỹ muốn đánh thuế lên thép Trung Quốc một cách gián tiếp. Biểu đồ sau sẽ cho ta thấy Mỹ muốn đánh thuế thép lên South Korea hoặc Việt Nam là một cách đánh gián tiếp thép Trung Quốc, bởi vì cả hai nước đều nhập khẩu một lượng thép TQ lớn nhất.
Nguồn: Cục thống kê Hoa Kỳ
Trong Q1/2018, Trung Quốc đã xuất khẩu đi 14.7 triệu tấn thép các loại, và mười quốc gia trên là điểm đến của 53% tổng lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc, khoảng 7.8 triệu tấn; trong đó Hàn Quốc nhập 2 triệu tấn, Việt Nam 1.3 triệu tấn, Philippines 0.9 triệu tấn, Indonesia và Thái Lan 0.7 triệu tấn mỗi quốc gia.
Cho dù là bị đánh thuế gián tiếp thì Trung Quốc cũng không hề hấn gì trong cuộc chiến giữa thương mại này. Hiện tại ngành thép TQ đã cắt giảm mạnh phần công suất lạc hậu, theo thông tin của hiệp hội thép TQ (CISA) thì xuất khẩu thép của họ đã giảm đi một phần ba vào năm 2017 do sản lượng thép trong nước đã giảm mạnh. Khoảng 600 lò luyện thép cảm ứng lạc hậu (induction furnaces) đã bị đóng cửa năm 2016, cắt giảm khoảng 7% công suất sản xuất hàng năm của cả nước.
Tương ứng, trên quy mô toàn cầu thì xuất khẩu thép của TQ đã giảm mạnh trong các năm gần đây, cụ thể đã giảm từ 112.4 triệu tấn năm 2015 xuống còn 75.4 triệu tấn trong năm 2016. Do đó, chính phủ TQ đã bắt đầu định hướng chỉ xuất khẩu các sản phẩm thép có giá trị gia tăng cao, họ sẽ giảm dần xuất khẩu thép thô, do đây rõ ràng không phải là mặt hàng chiến lược nữa khi mà mức độ cạnh tranh gia tăng trên toàn cầu.
6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu thép vào Mỹ tăng.
Hình 1 cho thấy 79% lượng thép nhập khẩu vào Mỹ trong quý 1/2018 đến từ 10 quốc gia, lớn nhất là Canada với 20% và thấp nhất là Trung Quốc, 2%. Trong đó lượng thép nhập khẩu từ Việt Nam đứng thứ 11, báo cáo của DOC cho thấy đã giảm đi 32% so với quý trước nhưng không cho biết số lượng cụ thể. Tuy nhiên bản tin VSA cho thấy xuất khẩu thép Việt Nam vào Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2018 là 439 ngàn tấn; tăng mạnh so với cùng kỳ: 6 tháng đầu năm 2017 số liệu này chỉ là 250 ngàn tấn. Xuất khẩu thép Việt Nam vào Mỹ cả năm 2017 cũng chỉ hơn 500 ngàn tấn; có vẻ như hai thông tin trái ngược nhau, có lẽ phải đợi đến khi DOC ra báo cáo cho cả năm thì mới biết được.
Tổng lượng thép nhập khẩu của Mỹ trong quý 1 năm 2018 đã giảm 14.7%, chỉ còn 8.3 triệu tấn so với 9.7 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018 thép nhập khẩu vào Mỹ đã giảm đi 9.4%.
Tương tự, tổng lượng tôn mạ kẽm nhập khẩu của Mỹ trong quý 1 năm 2018 đã giảm 7.8%, chỉ còn 798 ngàn tấn so với 866 ngàn tấn của cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018 tôn mạ kẽm nhập khẩu vào Mỹ đã giảm đi 10.8%. Sự sụt giảm này chưa phải là lớn do 5 năm trở lại đây Mỹ luôn nhập khẩu mỗi năm khoảng 2.8 - 3.0 triệu tấn tôn mạ kẽm. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong 6 tháng cuối năm dự kiến sẽ lớn hơn khi mà các nhà sản xuất tôn mạ của Mỹ bắt nhịp kịp để nâng cao sản lượng.
Nội địa hóa sản phẩm thép cán nóng (HRC)
Việt Nam phụ thuộc vào thép cán nóng HRC nhập khẩu 100% kể từ 2016 trở về trước. Cụ thể năm 2016 nhập khẩu 5.5 triệu tấn thép HRC; Tháng 6/2017 Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã đưa lò cao số 1, công suất 4 triệu tấn/năm, vào hoạt động và đã bắt đầu sản xuất được thép HRC, do đó, năm 2017 ta cũng chỉ nhập khẩu 5.5 tấn thép HRC cộng với 1.3 triệu tấn HRC sản xuất bởi FHS.
Bên cạnh đó kể từ đầu năm 2018, Mỹ đánh thuế mạnh lên các sản phẩm tôn mạ sản xuất ở Việt Nam có nguyên liệu từ HRC có nguồn gốc từ Trung Quốc (Mỹ gọi là Chinese-produced steel), nên các nhà sản xuất tôn mạ VN đã giảm dần việc nhập lượng thép HRC từ TQ. Tuy nhiên như đã nêu ở trên, các nhà sản xuất thép HRC của TQ hay các sản phẩm thép nói chung đã bắt đầu thấy áp lực cạnh tranh ngày càng tăng ở khu vực Đông Nam Á do năng lực sản xuất  thép ở đây gia tăng rất nhanh; mặt khác các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia tiếp tục đánh thuế chống phá giá lên thép TQ. Do đó, họ đã và đang chuyển hướng hoạt động sang thị trường Nam Mỹ và châu Phi. Cụ thể là ArcelorMittal South Africa, là công ty có toàn bộ sản lượng thép chỉ phục vụ cho thị trường châu Phi, cho biết mức độ canh tranh đang tăng cao từ thép nhập khẩu của TQ.
7 tháng đầu năm 2018, FHS đã cung cấp khoảng hơn 1.7 triệu tấn HRC. Họ cũng đã đưa lò cao số 2, công suất 4 triệu tấn/năm vào hoạt động từ tháng 5/2018 nâng công suất sản xuất thép thô của FHS lên 7 triệu tấn/năm, nên dự kiến cả năm 2018 FHS sẽ sản xuất được khoảng 5 triệu tấn HRC, đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Bên cạnh đó, liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất ở Quảng Ngãi có khả năng sẽ bắt đầu đi vào hoạt động cuối năm 2019, cung cấp thêm một phần HRC trong năm 2019 nữa. Khi hoạt động hết công suất sẽ cung cấp ra 3.5 triệu tấn thép HRC cho thị trường nội địa, cộng với sản lượng tăng thêm từ FSH thì Việt Nam sẽ nhanh chóng chuyển từ nước nhập khẩu sang nước xuất khẩu HRC kể từ năm 2020.
Sản xuất được HRC trong nước chúng ta giảm bớt một mối rủi ro về tỷ giá, như tình trạng từ đầu năm 2018 đến nay tỷ giá điều chỉnh khá nhiều lần, làm cho giá cả HRC nhập khẩu tăng cao cũng như làm tăng gánh nặng cho các khoản vay bằng tiền USD, ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả hoạt động của các DN tôn mạ kẽm.
Thị trường tôn mạ kẽm Việt Nam nữa đầu năm 2018: bão hòa tạm thời!
Thị trường tôn mạ kẽm Việt Nam nữa đầu năm 2018 có rất nhiều dấu hiệu của một thị trường bão hòa, tuy rằng có thể là ngành công nghiệp này vẫn đang ở trong một quá trình tăng trưởng (growth stage) nếu tính trong dài hạn, nhưng rõ ràng trong ngắn hạn thì năm 2018 dường như cho thấy một thị trường bão hòa tạm thời (maturity stage) qua các dấu hiệu sau:
Hình 3: Vòng đời sản phẩm (PLC)
Nguồn: Barrett Sales Blog
+ Doanh số bán hàng (revenue) tăng mạnh nhưng lợi nhuận giảm và nhu cầu tiệm cận đến bão hòa. Trong quý 2/2018, doanh thu của NKG tăng 38.2%, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm 43.8% so với cùng kỳ; tương tự với HSG: doanh thu tăng 42.8%, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm 69.5%.
+ Số lượng các nhà sản xuất trong ngành tăng mạnh, doanh nghiệp hiện hữu gia tăng công suất, doanh nghiệp mới gia nhập ngành tăng trưởng cả về số lượng lẫn quy mô. Gia tăng đầu tư nâng công suất như NKG, HSG, TDA, TVP, TPN, TPK… cộng với công suất mới gia nhập ngành như Mỹ Việt, HPG, Vinaone làm quy mô ngành tăng nhảy vọt từ 4.63 triệu tấn/năm 2017 lên đến 6.1 triệu tấn /năm trong 2018, đó là chưa tính dự án cán-mạ 375 ngàn tấn/năm của Pomina đi vào hoạt động trong năm tới.
+ Giá cả có xu hướng giảm do sức ép cạnh tranh, 6 tháng đầu năm 2018 là một cuộc đua về giá bán, hệ quả là doanh số tăng mạnh nhưng lợi nhuận cũng giảm mạnh.
+ Sự khác biệt về thương hiệu và sự đa dạng hóa đặc tính sản phẩm được khai thác để duy trì thị phần. Chi phí marketing của các công ty trong ngành đều tăng cao.
+ Lợi nhuận (profit) ngành giảm: Mức lợi nhuận trên doanh số (ROS) đối với các doanh nghiệp sở hữu chuỗi sản xuất cán nguội – mạ kẽm – mạ màu trung bình 5-8% trước đây, hiện nay đều giảm như NKG giảm 50%, còn 2.5%; HSG còn tệ hơn khi ROS quý 2 chỉ đạt 0.8%.

Đình Long

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Sơ lược về ngành công nghiệp thép tấm mạ kẽm toàn cầu

A BRIEF INTRODUCTION OF GLOBAL GALVANIZED STEEL SHEETS & COILS INDUSTRY


            Kể từ tháng 3 cho đến tháng 6 năm 2018 chính phủ Mỹ liên tục đưa ra các chính sách điều chỉnh thuế nhập khẩu thép và nhôm trên cơ sở mục 232 của đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 (Section 232 of the Trade Expansion Act of 1962). Cụ thể thuế nhập khẩu đánh lên các sản phẩm thép nhập khẩu là mức 25% có hiệu lực từ 23/3/2018 áp dụng cho toàn bộ các quốc gia, ngoại trừ một số nước có hạn ngạch nhập khẩu cụ thể như Argentina, Brazil và South Korea.
Ngành thép Việt Nam bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi quyết định áp thuế này. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất thép mạ kẽm, do các thị trường truyền thống lớn là các nước ASEAN đang ngày càng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của Trung Quốc, mặt khác các nước này cũng liên tục áp thuế tự vệ trong thời gian gần đây, do đó Mỹ được xem là một thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp tôn mạ kẽm Việt Nam. Khó khăn ở thị trường xuất khẩu gây áp lực cạnh tranh gia tăng lên thị trường nội địa khi mà nhu cầu nội địa dự báo 4.65 triệu tấn năm nay trong khi năng lực sản xuất là 7 triệu tấn/ năm. Theo số liệu của VSA, xuất khẩu tôn mạ các loại trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ mới đạt 880 ngàn tấn, trong lúc sản lượng xuất khẩu dự kiến cần phải đạt trên 2 triệu tấn trong năm 2018 mới cân bằng với năng lực sản xuất trong nước. Mặt khác cần phải kiểm soát tốt lượng tôn mạ kẽm nhập khẩu dưới 1.5 triệu tấn.
Giai đoạn khó khăn này sẽ nhanh chóng qua đi khi các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc và các nước EU sớm cân bằng lại các lợi ích trong các cuộc chiến thương mại đang diễn ra. Ngành thép mạ kẽm vẫn là ngành công nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng ổn định trên thế giới, theo số liệu của Technavio thì tỷ lệ tăng trưởng kép CAGR của ngành hàng năm trung bình là 5% từ đây cho đến 2020.
Sản lượng kẽm thế giới tăng trưởng khoảng 2% mỗi năm như biểu đồ bên dưới:
Hình 1: Sản lượng kẽm toàn cầu năm 2004 -2017

Nguồn: Statista 2018

Hình 2: Tiêu thụ kẽm toàn cầu năm 2004 -2017
Nguồn: Statista 2018

Trong năm 2017 toàn thế giới sản xuất ra 13.6 triệu tấn kẽm nguyên chất, tiêu thụ khoảng 14.1 triệu tấn, trong đó ngành công nghiệp thép mạ kẽm có tỷ trọng tiêu thụ lớn nhất, chiếm 50% lượng tiêu thụ kẽm, tức khoảng 7 triệu tấn đã được sử dụng trong ngành thép mạ kẽm. Trong đó lượng Trung Quốc tiêu thụ chiếm khoảng 45%, tức khoảng 6.3 triệu tấn, Trung Quốc cũng sử dụng khoảng 57% kẽm nguyên chất cho ngành thép mạ kẽm, tức là 3.6 triệu tấn.
Ước tính quy mô ngành thép tấm mạ kẽm trên thế giới:  
Trên thế giới, người ta phân loại các sản phẩm của ngành thép mạ kẽm gồm có bốn loại chính như sau:
+Tấm và cuộn mạ kẽm (Sheets and strips/coils)
+Kết cấu thép (Structures)
+Ống và tube (Pipes and tubes)
+Dây thép mạ kẽm và ứng dụng khác (Wires and others)
Chúng ta chỉ tìm hiểu  loại tấm và cuộn mạ kẽm (Sheets and strips/coils), theo thống kê năm 2015 thì thép tấm và cuộn mạ kẽm chiếm 61% tỷ trọng.
Theo thống kê ở trên thì toàn bộ ngành công nghiệp mạ kẽm toàn cầu tiêu thụ 7 triệu tấn kẽm năm 2017, trong đó ngành mạ kẽm thép tấm và cuộn chiếm 61% tức là 61% x 7 triệu tấn = 4.27 triệu tấn. Giả sử trung bình cần 40 kg kẽm trên một tấn thép tấm mạ kẽm thì với 4.27 triệu tấn kẽm sản xuất ra khoảng 106 triệu tấn thép tấm mạ kẽm hay gọi theo Việt Nam là tôn mạ kẽm. Một thị trường với quy mô hơn 85 tỷ USD quả là khá lớn.
Dựa trên sản lượng tiêu thụ kẽm năm 2017, tác giả ước tính sản lượng tôn mạ kẽm do Trung Quốc sản xuất khoảng 50 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng tôn mạ kẽm toàn cầu.
Theo thống kê thì các ngành sử dụng thép mạ kẽm nhiều nhất là:
+Xây dựng và hạ tầng (Infrastructure and construction)
+Công nghiệp (Industrial)
+Năng lượng (Power)
+Xe hơi và phương tiện giao thông (Automobile and transportation)
+Nông nghiệp (Agriculture).
Trong đó nhu cầu thép mạ kẽm cho ngành xây dựng và hạ tầng chiếm khoảng 37% trong thập kỷ này. Việt Nam đặc biệt có nhu cầu cao trong lĩnh vực này khi mà cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn cần đầu tư phát triển, mặt khác nhu cầu nhà ở luôn ở mức cao làm gia tăng nhu cầu cho các ngành thép cũng như ngành tôn mạ kẽm.
Các nhà sản xuất tôn thép mạ kẽm hàng đầu trên thế giới gồm có: ArcelorMittal, Baosteel, Gerdau, JFE Steel, NSSMC, Nucor, Posco… tôi sẽ giới thiệu chi tiết một vài nhà sản xuất lớn trong chuyên đề tiếp theo.

Đình Long