Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Ngành thép Hàn Quốc và sự thành công của Posco

Korea Steel Industry and Posco’s case
  

Ảnh 1: Cổng vào nhà máy tích hợp Kwangyang integrated steel works của Posco

Hàn Quốc, một trong bốn con hổ châu Á cùng với Hồng Kông, Singapore và Đài Loan, là bốn đất nước phát triển thông qua định hướng xuất khẩu và quá trình công nghiệp hóa, qua đó liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao từ thập niên 60 cho đến ngày nay. Trong lúc Hồng Kông và Singapore trở thành các trung tâm tài chính và dịch vụ trung chuyển hàng đầu thế giới thì Hàn Quốc và Đài Loan đã và đang trở thành các trung tâm sản xuất xe hơi, linh kiện, thiết bị điện tử và công nghệ thông tin của thế giới.
Kinh tế Hàn Quốc năm 2016 đạt GDP là 1411 tỷ đô la Mỹ, xếp thứ 11 thế giới, GDP bình quân đầu người hơn 28,000 USD và dự kiến đạt 31,000 USD vào năm 2018[1], có thể tham gia vào hàng ngũ các nước phát triển châu Âu như Pháp và Ý. Thật khó có thể tưởng tượng nổi GDP của họ chỉ đạt 100 đô la Mỹ trên đầu người vào năm 1963, thời điểm mà tổng thống Park Chung Hee lật đổ chính quyền của tổng thống Lee Myung Bak (Lý Thừa Vãn) và lên nắm quyền, trở thành tổng thống thứ hai của Hàn Quốc.
Ngay từ thập niên 1960s, Hàn Quốc đã tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp nặng, đóng tàu và sản xuất ô tô. Hiện tại, Hàn Quốc có nhiều công ty rất lớn hoạt động trên toàn cầu như Huyndai và Samsung. Năm 2015, hai tập đoàn Hyundai và Kia Motor đã tiêu thụ được 8 triệu xe hơi, trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất ô tô[2]. Bên cạnh đó, Hàn Quốc, thông qua hai công ty Samsung Electronics và SK Hynix mà có thứ hạng xếp hàng đầu thế giới về sản xuất chip bán dẫn vào năm 2016[3].
Chính phủ Hàn Quốc không nghi ngờ gì, đã xác định ngành thép là một trong các ngành kinh tế cơ sở quan trọng nhất (generative sector), là một trong những ngành kinh tế thu hút một lượng vốn đầu tư lớn, vừa đóng vai trò tập hợp vốn, kiến thức và công nghệ, và sau đó là nguồn của các sáng tạo trong công nghệ và quản lý cho các ngành liên quan tham khảo. Sản phẩm sắt thép là nguyên liệu đầu vào cơ bản của hầu hết các ngành công nghiệp trọng điểm như ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, phương tiện giao thông vận tải, ngành đóng tàu, containers, ngành điện máy gia dụng và ngành xây dựng, do đó có thể nói ngành thép chính là chất xúc tác cho sự tăng trưởng các ngành kinh tế liên quan của Hàn Quốc để có được các thành tựu như ngày hôm nay.
Sản lượng thép Hàn Quốc trong mười năm trở lại đây luôn được xếp hạng thứ năm hoặc thứ sáu thế giới, với sản lượng thép thô sản xuất tương ứng các năm 2014, 2015 và 2016 là 71.5 triệu tấn, 69.7 triệu tấn và 68.6 triệu tấn.
Hình 2: Biểu đồ sản lượng thép thô Hàn Quốc 10 năm gần đây
                      Nguồn: WSA
Các công ty thép hàng đầu của Hàn Quốc
Ngành thép Hàn Quốc ngay từ lúc mới hình thành và phát triển đã là một ngành có mức độ tập trung hóa rất cao, sản lượng của ba nhà sản xuất thép hàng đầu gồm Posco, Huyndai và Dongkuk chiếm đến 95% tổng sản lượng thép cả nước trong các năm 2015 và 2016
Bảng 1: Các nhà sản xuất thép hàng đầu Hàn Quốc trong năm 2015 & 2016
Xếp hạng
Công ty
Sản lượng thép thô sản xuất năm 2015, triệu tấn
Sản lượng thép thô sản xuất năm 2016, triệu tấn
1
POSCO
42
41.5
2
HUYNDAI Steel Company
20.4
20
3
Dongkuk Steel Mill
3.7
3.8
Nguồn: WSA và báo cáo tài chính của Dongkuk

Hàn Quốc là nước xuất khẩu thép lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng xuất khẩu khoảng 40% sản lượng thép sản xuất ra hàng năm. Năm 2015 Hàn Quốc xuất khẩu 22.5 triệu tấn, chiếm 44.2% sản lượng sản xuất, trị giá 16.7 tỷ đô la Mỹ, phần lớn xuất khẩu đến các nước châu Á và Mỹ, các nước nhập khẩu thép từ Hàn Quốc lớn nhất là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Năm 2016 Việt Nam nhập khẩu 1.8 triệu tấn thép các loại từ Hàn Quốc[4].

Câu hỏi là ngành thép Hàn Quốc đã bắt đầu như thế nào để có ngày hôm nay? Câu trả lời bắt đầu từ quá trình hình thành tập đoàn sắt thép Posco
          Cho đến năm 1910, khi Triều Tiên bị Đế quốc Nhật Bản xâm chiếm, ngành thép của Hàn Quốc rất thô sơ, quy mô rất nhỏ và công nghệ cũ, chủ yếu luyện phế bằng lò hồ quang. Sau khi chiếm đóng, Nhật Bản đã xây dựng một số nhà máy thép nhỏ dọc miền duyên hải Triều Tiên. Phần lớn các nhà máy này đã bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-53. Năm 1966 sản lượng thép cả nước chỉ có 185 ngàn tấn, sản xuất nhỏ lẻ trong các nhà máy thô sơ lạc hậu. Vào năm 1970, ngành thép Hàn Quốc có thể nói là chưa thành hình, sản xuất vẫn nhỏ lẻ, chưa có nhà máy tích hợp (integrated works), phần lớn sử dụng lò điện hồ quang để luyện thép, sản lượng thép quốc gia chỉ đạt 481 ngàn tấn.
          Là một quốc gia thiếu cả quặng sắt và than, sau chiến tranh chia cắt, họ thiếu cả nguồn vốn để xây dựng đất nước. Năm 1965 một dự án nhà máy liên hợp sản xuất thép (integrated work) ở Ulsan với công suất 300 ngàn tấn/ năm đã bị phá sản, lý do là chính phủ Hàn Quốc không thể huy động được nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
          Tháng 5/1965, tổng thống Park Chung Hee sang thăm Mỹ và đã gặp chủ tịch F.Foy của công ty công nghệ thép Koppers ở Pittsburgh, ông này phân tích rằng không một quốc gia nào có thể tự huy động một nguồn vốn khổng lồ để xây dựng nhà máy thép tích hợp 500 ngàn tấn/ năm, do vậy tốt nhất là bắt tay với các công ty sắt thép và tổ chức tài chính phương tây để hình thành nên một liên doanh quốc tế. Sau khi trở về nước, ông phân công viên thiếu tướng về hưu  Park Tae Joon lúc này đang làm tổng giám đốc của công ty Hàn Quốc Vonfram (Korea Tungsten Company) và đã có công giải cứu thành công công ty này tránh bị phá sản – tiếp xúc với các công ty thép lớn của Nhật Bản. Lý do sao Park Chung Hee chọn Park Tae Joon là bởi vì cuộc đời của Park Tae Joon khá gắn bó với đất nước Nhật Bản. Năm lên 6 tuổi ông đã theo cha sang Nhật Bản sinh sống và học tập ở đó, khi trưởng thành lúc đang học dang dở năm hai của Đại học Waseda thì năm 1945 ông bỏ về nước sau khi Hàn Quốc dành độc lập từ Nhật Bản. Có thể nói là tuổi thơ của Park Tae Joon phần lớn là ở đất Nhật Bản, trong thời gian sinh sống và học tập ở Nhật Bản, Park Tae Joon từng đi nghe Yasuoka diển thuyết và sau đó quen biết ông. Yasuoka Masshiro (1898-1983) có vai trò lãnh đạo tinh thần trong giới chính trị và doanh nhân của Nhật Bản sau thế chiến thứ hai. Ông rất được tôn kính ở Nhật Bản và được coi là bậc thầy về Dương Minh học[5]. Sau này cũng nhờ mối quan hệ này mà nhiều sự kiện tiếp theo như kêu gọi vốn cũng như hỗ trợ kỹ thuật công nghệ từ các công ty thép hàng đầu Nhật Bản có rất nhiều thuận lợi.
          Trở về từ Mỹ, theo tiến cử của Park Tae Joon, T.T. Park Chung Hee gặp tổng giám đốc Nishiyama của công ty thép Kawasaki - Nhật Bản. Sau khi tham quan khảo sát các địa điểm khả thi để xây dựng nhà máy thép tích hợp gồm Incheon, Pohang và Ulsan thì Nishiyama nhấn mạnh tầm quan trọng của cảng biển trong việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy, lý do nguyên liệu cho nhà máy phải nhập khẩu hầu như 100%. Nishiyama cũng nhấn mạnh phải đầu tư quy mô ít nhất từ một triệu tấn trở lên mới mong có hiệu quả kinh tế[6].
          Trong những năm 1966-67, sau khi bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc được hưởng một số ưu đãi tài chính lớn, cụ thể Nhật Bản đã cung cấp một quỹ tín dụng thương mại giá trị 108.5 triệu USD, mặt khác như một sự bù đắp cho việc gửi quân tham chiến tại Việt Nam, Mỹ cũng chi viện 256.1 triệu USD quỹ tín dụng thương mại cho Hàn Quốc. Tuy vậy nhu cầu tài chính đến rất nhiều ngành, do Hàn Quốc lúc này là một đất nước thuần nông nghiệp và nghèo nàn, do đó chi phí đầu tư cho nhà máy thép tích hợp là một đầu bài nan giải thời bấy giờ.
          Dự án KISA và sự thất bại có giá trị
Năm 1966, bảy công ty công nghệ thiết bị ngành thép từ 5 nước Mỹ, Đức, Anh, Pháp và Ý đã hợp tác với nhau hình thành nên liên danh Korea International Steel Association (KISA). Các thành viên của KISA là các hãng công nghệ và thiết kế và cung cấp thiết bị ngành thép hàng đầu trên thế giới gồm Koppers, Blaw Knox, Westinghouse Electric (Mỹ); Demag, Siemens (Đức); Wellman Engineering (Anh); Societa Italian Impianti SPA (Ý) và Ensid (Pháp).
Dự án KISA tóm tắt như sau: Nhà máy thép tích hợp Hàn Quốc sẽ chia làm 2 giai đoạn xây dựng, giai đoạn một sẽ sản xuất 500 ngàn tấn thép thô hàng năm, giai đoạn hai sẽ mở rộng công suất lên thành một triệu tấn/ năm. Giai đoạn 1 sẽ hoạt động vào 1971 và giai đoạn 2 là 1976 tương ứng với hai chu kỳ kỳ kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Hàn Quốc. Quy trình sản xuất do Kisa đề xuất bắt đầu tư luyện than, lò cao, lò basic oxygen, đúc liên tục pillet và slab, cán nóng và cán nguội. Là một nhà máy tích hợp đồng bộ, tuy nhiên việc quyết định quy mô nhà máy bị ảnh hưởng mạnh từ các nhà cung cấp vốn, cụ thể là World Bank, sản lượng 1 triệu tấn không theo kịp nhu cầu tiêu thụ nội địa dự báo của Hàn Quốc là 1.6 triệu tấn vào năm 1976, chưa nói đến giấc mơ xuất khẩu thép của họ. Dự toán cho dự án Kisa là 135 triệu USD, trong đó chính phủ Hàn Quốc sẽ cung cấp 35 triệu USD và Kisa cung cấp 100 triệu USD.
Ngày 3 tháng 10 năm 1967 lễ động thổ nhà máy thép Pohang đã diễn ra hoành tráng tại sân vận động Pohang, Hàn Quốc xem đây là dự án lớn nhất từ thời lập quốc 4300 năm trước. Sau lễ động thổ là các tranh luận về hình thức công ty Posco, tổng thống Park định hướng Posco là một công ty quốc doanh, lý do công ty nhà nước sẽ dể dàng được hỗ trợ tài chính và kêu gọi vốn cũng như miễn giảm thuế, tuy nhiên, nhược điểm là cơ chế giám sát năng nề, cơ chế vận hành có tính quan liêu. Do đó, tổng giám đốc Park Tae Joon một mực phản đối và đề xuất Posco nên là một công ty cổ phần hoạt động dựa trên luật thương mại và chính phủ tham gia với tư cách là cổ đông chính để thu hút các nguồn vốn đầu tư. TGĐ Park nhấn mạnh nếu muốn xây dựng nhà máy thép tích hợp thành công thì phải đảm bảo tính tự chủ kinh doanh, tinh thần trách nhiệm người lãnh đạo và tính linh hoạt của tổ chức. Sau ba lần tranh luận thì tổng thống Park Chung Hee đã đồng ý với TGĐ Park.


Ảnh 3: Tác giả tham quan Kwangyang Steel Works
          Sau khởi công chưa lâu, nhà máy đã gần như làm xong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng thì WB lo ngại về tính hiệu quả kinh tế của nhà máy nên đã đổi ý, đòi trì hoãn việc xây dựng nhà máy. Tổ chức phát triển quốc tế của Mỹ lúc đó (AID), tư vấn cho Hàn Quốc chỉ nên đầu tư một nhà máy cán thép nhỏ với công nghệ lò hồ quang EAF, hoặc một nhà máy với chỉ từ dây chuyền cán nóng trở xuống hạ nguồn và nhập khẩu slab để cán. Thách thức này đã biến thành cơ hội khi Hàn Quốc chuyển sang yêu cầu giúp đỡ từ Nhật Bản kể cả tài chính và công nghệ để xây dựng một Posco tầm cở ngày hôm nay.
          Tổng giám đốc Park trong lúc đau đầu tìm kiếm nguồn vốn 100 triệu USD để bù đắp cho phần vốn mà Kisa đã rút lui, đã bất chợt nghĩ ra việc chuyển đổi mục đích sử dụng của quỹ quyền yêu sách đối với Nhật Bản. Còn đúng 100 triệu USD trong quỹ này, nằm trong “300 triệu USD viện trợ không hoàn lại và 200 triệu USD viện trợ có hoàn lại mà chính phủ Nhật Bản rót cho Hàn Quốc trong vòng 10 năm kể từ 1966, những đồng tiền bồi thường thuộc địa nhuốm máu”[7].
          Như vậy nguồn vốn xem như tạm ổn, vậy còn vấn đề ai sẽ cung cấp công nghệ và thiết kế cũng như giám sát thi công lắp đặt và chuyển giao vận hành trong lúc các công ty thép đến từ châu Âu của Kisa đã rút hết? Đến đây, dựa vào các mối quan hệ có từ thời còn sống ở Nhật Bản, dựa vào khả năng tiếng Nhật tuyệt hảo và vốn hiểu biết về văn hóa Nhật Bản, cũng như dựa vào quan hệ hai nước Hàn Nhật lúc đó đã cải thiện rất nhiều, Park Tae Joon đã thuyết phục được các công ty thép lớn của Nhật Bản tham gia hợp tác kỹ thuật trong dự án Posco. Ông bắt đầu liên lạc với Yasuoka, rồi Yasuoka lập tức liên lạc với Inayama, chủ tịch liên minh sắt thép Nhật Bản kiêm tổng giám đốc Yawata Steel Works huyền thoại, tiền thân của Nippon Steel Corporation sau này. Hai bên đi đến kết luận là nếu nhà máy thép Hàn Quốc sử dụng những thiết bị, công nghệ, máy móc, vật tư và kỹ thuật từ Nhật Bản thì sẽ có lợi cho cả hai nước, do hai nước gần gũi về địa lý lại có nhiều điểm tương đồng về văn hóa nên những bất đồng ngôn ngữ sẽ giảm đi. Ngành thép Nhật Bản lúc đó đang ở giai đoạn mạnh nhất và gần như đến xu hướng bảo hòa, do đó hợp tác để phát triển ngành thép với Nhật Bản là một lựa chọn hợp lý để có thể có đầu ra cho các nguồn vốn kỹ thuật, công nghệ và tài chính. Nhật Bản lúc đó không xem Hàn Quốc là một đối thủ cạnh tranh trong tương lai nên đã nhiệt tình giúp đỡ để xây dựng Posco thành công.
          Sau khi dự án Kisa bị đứt gánh giữa đường thì Nippon Steel đã tham gia vào và dự án đã được thiết kế lại với quy mô lớn hơn rất nhiều, dự án bắt đầu triển khai thi công với thiết kế mới từ tháng 4/1970, chỉ sản lượng của giai đoạn 1 thôi đã là 1.03 triệu tấn, lớn bằng cả hai giai đoạn của dự án Kisa gộp lại, đó là chưa nói thiết kế mới từ Nippon Steel đã cho phép Posco nâng công suất của nhà máy Pohang lên đến hơn 17 triệu tấn như ngày hôm nay.
          Dự án Pohang integrated steel works được xây dựng qua 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn dài khoảng 2-3 năm, bắt đầu từ 1970 cho đến 1981 với công suất sản xuất tương ứng cho từng giai đoạn là 1.03 triệu, 2.6 triệu,  5.5 triệu và 8.5 triệu tấn, tương ứng với tổng mức đầu tư khoảng 8 tỷ USD. Ngày nay nhà máy Pohang là một integrated works lớn thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Kwangyang works, cũng của Posco, có sản lượng thép thô sản xuất được là 17.6 triệu tấn vào năm 2015.
          Trong đà chiến thắng của dự án Pohang, Posco tiếp tục thực hiện xây dựng dự án liên hợp thép thứ hai là Kwangyang Steel Works nằm ở vịnh Kwangyang. Dự án Kwangyang cũng triển khai qua 4 giai đoạn, bắt đầu từ  công đoạn khởi công cải tạo đất từ 9/1982, lý do đất ở vịnh Kwangyang không có chân với lớp bùn sâu hàng chục mét, mất 5 năm cải tạo đất, mãi cho đến 4/1987 mới khởi công xây dựng giai đoạn 1 nhà máy phức hợp, triển khai xong 4 giai đoạn và kết thúc giai đoạn 4 vào 8/1997 khi Kwangyang chạy thử thành công dây chuyền cán nguội liên tục số 4, trọn vẹn 10 năm xây dựng một steel works có công suất 11.4 triệu tấn. Ngày nay qua nhiều bước cải tạo và nâng cấp, sản lượng thép thô của Kwangyang works sản xuất năm 2015 đạt con số kỹ lục là 24.4 triệu tấn, lớn hơn gấp đôi so với thiết kế ban đầu. Tổng sản lượng thép Posco sản xuất năm 2015 là 42 triệu tấn, xếp hạng thứ 4 thế giới, chỉ đứng sau Arcelo Mittal, Hesteel, và Nippon Steel.


Đình Long


[1] “GDP bình quân đầu người Hàn Quốc năm 2018 vượt ngưỡng 30.000 USD” http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_hotissue_detail.htm?No=10060517
[2] “Hyundai Motor retains fifth place in global sales in 2015” http://www.koreatimes.co.kr/www/news/biz/2016/02/388_197746.html
[3] “Gartner Says Worldwide Semiconductor Revenue Grew 1.5 Percent in 2016” http://www.gartner.com/newsroom/id/3573717
[4] “Nhập khẩu sắt thép Việt Nam cao nhất từ trước đến nay”. http://vneconomy.vn/thi-truong/nhap-khau-sat-thep-viet-nam-cao-nhat-tu-truoc-den-nay-20170123124140453.htm
[5] Vương Dương Minh là nhà chính trị, nhà tư tưởng và nhà triết học xuất sắc Trung Quốc đời nhà Minh. Ông được đánh giá là một trong bốn vị thầy vĩ đại nhất của đạo Nho, sánh ngang với Khổng Tử, Mạnh Tử và Chu Hi. Học thuyết Dương Minh ảnh hưởng rất lớn ở Trung Quốc thời nhà Minh và các nước khác, kể cả ở Việt Nam, đặc biệt là tác động rất mạnh ở Nhật Bản thời bấy giờ
[6] Lee, Dae-hwan.(2015). “Park Tae-joon: A Man of Steel (His Life, Spirit and Leadership)”. Publisher : ASIA
[7] Park Tae Joon người đàn ông của thép –Bản dịch của Ku Su Jeong và Nguyễn Ngọc Tuyền (2009)