Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

Review ngắn ngành thép (Phần 2)

 Lên đỉnh năm 2021

Năm 2021 là một năm thành công rực rỡ ngoài mong đợi của ngành thép Việt Nam, chủ yếu hưởng lợi từ nhu cầu xuất khẩu trong tình hình khó khăn của các khu vực sản xuất và tiêu thụ thép lớn như Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ… do đứt chuỗi cung ứng toàn cầu do dịch bệnh Covid 19. Xuất khẩu thép năm 2021 đạt kết quả rất tốt: 14 triệu tấn thép bán thành phẩm và thành phẩm với trị giá khoảng 12.7 tỷ đô la.

Sản lượng thép thô đạt 23 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2020. Sản lượng thép thành phẩm các loại đạt gần 34 triệu tấn, tăng 19% y-o-y! Trong lúc tiêu thụ trong nước chỉ đạt hơn 22 triệu tấn, giảm 5,5% so với năm 2020.

Vòng xoáy đi xuống 2022

Khởi đầu là lời “tiên tri” u ám từ chủ tịch HP Trần Đình Long vào tháng 5/2022 "cổ đông cứ đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3, quý 4 rồi sẽ thấy. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”[1].

Ngày 30/9/2022 Pomina thông báo ngừng sản xuất lò cao (BF) duy nhất của họ và chỉ còn sản xuất lò điện (EAF)[2].

Ngày 25/10/2022 Thép Miền Nam- VN Steel thông báo cho CB-CNV nghỉ luân phiên dài hạn từ tháng 10-12/2022[3].

Ngày 4/11/2022 Hòa Phát thông báo ngưng sản xuất hai lò cao ở KLH Gang thép Dung Quất và hai lò cao ở KLH Gang thép Hải Dương. Hiện nay Hòa Phát đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương. Như vậy, 4/7 lò cao của Hòa Phát đã dừng hoạt động vì đầu ra chậm. Dự kiến họ sẽ dừng tiếp một lò cao ở Dung Quất trong tháng 12 tới đây[4].

Ngày 11/11/2022 Formosa Hà Tĩnh thông tin sẽ cắt giảm 15% sản lượng do phải chịu tác động bởi tình trạng dư cung thép và đã cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu, song nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu không cao như dự kiến[5].

Nguyên nhân ngành thép suy giảm thì nhiều, trong đó vẫn yếu tố chính vẫn là chính sách thắt chặt tiền tệ đang lan rộng trên toàn cầu, bắt đầu từ ngân hàng trung ương Mỹ, FED để chống lạm phát. Đồng đô la tăng giá mạnh làm cho đồng tiền các nước nhanh chóng mất giá dẫn đến các nước buộc phải thực thi các chính sách tiền tệ như tăng lãi suất ngân hàng, điều chỉnh tỷ giá hối đoái dẫn đến thắt chặt hơn về nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, bên cạnh việc thiếu hụt khí đốt, xăng dầu do cuộc chiến Nga Ukraina…. Nhu cầu về hàng hóa lâu bền như xe ô tô hay đầu tư xây dựng, hạ tầng, công nghiệp trên thế giới giảm mạnh kéo theo giảm nhu cầu thép. Trong nước thì ngành xây dựng và bất động sản chậm lại đáng kể tạo áp lực thêm cho nhu cầu thép nội địa.

Dự báo sản xuất tiêu thụ thép năm 2022 sẽ giảm mạnh từ mức nền cao của năm 2021. Theo báo cáo của Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA), tính cho 10 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm 10 tháng đầu năm 2022 đạt 25,31 triệu tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 23,159 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 5,316 triệu tấn, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái![6]

Đây cũng là xu hướng chung của ngành thép toàn cầu. Theo báo cáo của Hiệp Hội Thép thế giới (WSA) thì sản lượng thép thô 9 tháng đầu năm của 64 quốc gia thuộc hiệp hội giảm 4.3% tương đương 63 triệu tấn[7].

Hình 1: Sản lượng thép thô 9 tháng đầu năm của 64 quốc gia thuộc WSA

Nguồn: WSA

Điều gì đang chờ ở phía trước?

Trước hết, theo IMF thì việc thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ cần cả năm mới thấy hiệu quả, nghĩa là khoảng giữa năm 2023, nếu đảo chiều chính sách thì kinh tế lại mất cả năm nữa mới hồi phục lại mức cũ, nghĩa là giữa năm 2024.

Cuộc chiến Nga Ukraine thì sẽ không dể kết thúc một sớm một chiều khi mà Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục hỗ trợ Ukraine và ông Putin vẫn còn cảm thấy bị đe dọa, mùa đông sắp tới là một thử thách lớn cho cả hai bên, tuy nhiên là chủ nhà thì vẫn có chút ưu thế hơn!

Trung Quốc có một số thông báo nới lỏng chính sách cách ly Covid cho du khách xuất nhập cảnh gần đây, tuy nhiên mức độ rất hạn chế và chưa biết hiệu lực vào ngày nào. Nhiều tin đồn đoán về việc nới lỏng chính sách Zero Covid sẽ thực hiện vào mùa xuân tới hoặc quý II năm 2023. Dù sao thì cả dân chúng TQ và nền kinh tế cũng khó có thể chịu đựng được lâu hơn nữa đối với những chính sách này, rất khó để trì hoãn việc mở cửa lại nền kinh tế.

Mong muốn sớm chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ phụ thuộc nặng vào lĩnh vực đầu tư hạ tầng và bất động sản, nhà ở sang các mô hình bền vững hơn của Trung Quốc khó mà thực thi một sớm một chiều khi mà mới bắt tay thực hiện thi đã hầu như làm tê liệt thị trường BĐS và nhà ở. Gần đây chính phủ đang nỗ lực giải cứu các công ty BĐS đang ngập ngụa trong nợ nần. “Các đơn vị phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (Local government financing vehicles - LGFV) hiện là bên mua lớn nhất của những dự án dở dang từ các công ty bất động sản vỡ nợ, bao gồm cả China Evergrande Group”[8]. Trung Quốc có kế hoạch rà soát các chính sách giải cứu toàn diện để ngăn chặn khủng hoảng tài sản[9].

Các phiên gần đây cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh nhất toàn cầu[10], điều này chắc chắn sẽ đặt ra những câu hỏi và giải pháp cấp bách cho các nhà quản lý. Do VN còn là một nền kinh tế mới nổi nên tỷ trọng ngành bất động sản và tài chính trong thị trường chứng khoán là khá lớn, biểu đồ dưới đây cho thấy tỷ trọng vốn hóa ngành năm 2020, trong đó tài chính ngân hàng chiếm 29% và BĐS chiếm 24%, tổng tỷ lệ hơn 50%! Tỷ lệ này vào năm 2022 tương ứng là 35.3% và 21.8% . Để thấy mức độ tác động lớn như thế nào đến TTCK nếu cả hai ngành này bị khó khăn!

Hình 2: Cơ cấu vốn hóa toàn thị trường theo ngành 2020


Nguồn: vneconomy.vn[11]

Hình 3: Số công ty niêm yết và mức vốn hóa theo ngành 9/2022

Thị trường trong nước đã có một số tín hiệu tốt như trong phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2022, chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế và tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP nếu cần[12].

Ngành thép trong 15 năm trở lại đây thì có ba lần cứ một năm xấu thì có hai năm tốt, như năm 2008, 2011 và 2014. Trường hợp mới nhất là hai năm xấu liên tiếp là năm 2018 và 2019, theo sau là hai năm tốt (ngoài dự kiến do dịch bệnh). Năm 2023 các dự báo đều rất khó khăn tuy nhiên xác suất phục hồi vẫn có nếu các vấn đề đã nêu trên được xử lý tốt.

Xác suất cao nhất là ngành thép phục hồi vào năm 2024 mặc dù đây là năm bầu cử tổng thống Mỹ, sẽ có nhiều chính sách mới tuy nhiên hy vọng là không ảnh hưởng nhiều đến ngành thép như năm 2018-2019.

Bài viết mang tính chất cá nhân, không đại diện cho các cơ quan và tổ chức tác giả đang làm việc hay cộng tác.

Phan Đình Long


Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

Trời vẫn xanh và mây vẫn bay

Ở Mỹ, CPI tháng 5/2022 là 8,5% trong đó CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, là 6,2% so với một năm trước[1]. Chỉ số lạm phát lõi rất cao so với các nước, chẳng hạn Đức, CPI tháng 5/2022 là 7.9% với lạm phát lõi chỉ là 3.8%[2]. Như vậy vấn đề lạm phát ở Châu Âu là giá năng lượng - lạm phát do chi phí đẩy- liên quan trực tiếp tới cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát ở Mỹ còn đau đầu hơn, có lẽ là có đủ cả 3 loại lạm phát chi phí đẩy (cost-push inflation), lạm phát cầu kéo (demand-pull inflation) và cả lạm phát có sẵn (built-in inflation), một dạng lạm phát do kỳ vọng của mọi người, một vòng tròn luẩn quẩn vật giá tăng thì tăng lương, lương tăng lại làm vật giá tăng. Ngày 10/6, Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Independent Advisor Alliance, cho biết lạm phát diễn ra trên diện rộng ở nhiều danh mục khác nhau, cho thấy vấn đề nằm sâu xa hơn là do sự gián đoạn tạm thời do tắc nghẽn chuỗi cung ứng hoặc do cuộc chiến ở Ukraine[3]. Có lẽ ổng muốn đề cập đến gói cứu trợ covid 19 trị giá 1900 tỷ của ông Biden vào năm ngoái chăng!? Hình ảnh đính kèm cho thấy tình tắc nghẽn tại các cảng chính của TQ và của Châu Âu đã giảm đáng kể.

Để đối phó, Fed chắc chắn duy trì đà tăng lãi suất trong 1-2 năm tới, các nhà kinh tế dự đoán lãi suất Fed sẽ ở vào 3.4% cuối năm 2022, sau đó là 3.8% trong năm 2023 và trở lại 3.4% trong năm 2024. Kế hoạch của Fed là đưa lạm phát về 2.3% vào năm 2024. Các cuộc họp sắp tới của Fed là vào tháng 7, tháng 9, tháng 11 và tháng 12 năm  nay. Như vậy, khả năng rất cao là Fed sẽ thêm 3 lần tăng LS trên 0.5% nữa để đạt mức 3.4%.

Vào ngày 19/6, tổng thư ký NATO, ông Stoltenberg nói rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể còn kéo dài trong nhiều năm[4].

Chính sách zero Covid của TQ sẽ không có gì thay đổi ít nhất cho hết mùa thu năm nay, sau khi hoàn thành đại hội đảng 20.

Rõ ràng là thế giới phải sống chung với những điều này, trước nay đều như vậy! Các pháp vốn vô thường, nền kinh tế cũng vậy, sự ổn định chỉ là nhất thời, biến động là mãi mãi!

Đình Long



[1] https://www.cnbc.com/2022/06/10/consumer-price-index-may-2022.html

[2] https://ycharts.com/indicators/germany_core_inflation_rate

[3] https://www.forbes.com/advisor/investing/why-is-inflation-rising-right-now/

[4] https://www.reuters.com/world/europe/russias-war-ukraine-could-last-years-natos-stoltenberg-says-2022-06-18/


Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Review ngắn ngành thép

 Chu kỳ thép

Đã từ lâu các nhà đầu tư, nhất là trên thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, đều xác định ngành thép là ngành có tính chu kỳ. Đầu tư cổ phiếu ngành thép, hay bất kỳ ngành có chu kỳ nào bằng cách mua vào ở giai đoạn thấp điểm và bán ra ở giai đoạn cao điểm là chiến lược tốt nhất. Chỉ có điều không dể dàng gì để xác nhận được chu kỳ ngành để tiến hành ra vào thị trường đúng nhịp. Người ta chỉ biết ngành đã vào chu kỳ suy thoái khi nó đã suy thoái!!!

Hình 1: Biểu đồ thể hiện giảm giá thép cán nóng tại Mỹ (Vui lòng nhấp chuột vào biểu đồ để xem bản lớn)


Nguồn: CNBC

Có một bài phân tích gần đây của trang Steelonthenet cho rằng ngành thép sẽ suy thoái cho đến giữa năm 2023 và phục hồi dần, đạt đỉnh điểm vào Q3,4/2025. Dự báo này dựa trên phân tích chu kỳ của giá thép cán nóng (HRC) và thép dài xây dựng (Rebar) trong vòng 25 năm trở lại đây, một chu kỳ trung bình diễn ra trong khoảng 3-4 năm.

Hình 2: Biểu đồ giá HRC và thép dài trong 25 qua

Nguồn: Steelonthenet.com

Ngành thép có lẽ đã bắt đầu chu kỳ đi xuống từ đầu năm 2022, tuy nhiên cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra làm thiếu hụt cục bộ nguồn cung làm cho nhu cầu có tăng lên một thời gian ngắn trong tháng 3/2022 rồi sau đó tiếp tục suy giảm. Điều này đã được thị trường chứng khoán xác nhận, cổ phiếu thép liên tục giảm giá kể từ cuối năm 2021. Phát biểu của một vị chủ tịch tập đoàn thép lớn cũng đã xác nhận xu hướng này, khi ông cho rằng quý 2,3,4 năm nay sẽ thể hiện sự khó khăn của các công ty thép.

Nhu cầu thép cũng như nhu cầu các loại vật liệu xây dựng và chế tạo khác đều không tăng trưởng như kỳ vọng một khi đại dịch Sars Cov 2 kết thúc. Lý do đầu tiên là các công ty cắt giảm đầu tư do các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Mỹ, buộc phải giảm nới lỏng định lượng và tăng lãi suất khi mà lượng tiền bơm ra trong thời kỳ dịch bệnh đã gây ra lạm phát nặng nề ở Mỹ (8.6%, số liệu tháng 5/2022, cao nhất trong vòng 40 năm qua) và cũng như các nước trên thế giới. Lạm phát ở Châu Âu không thua gì ở Mỹ tất cả đều ở đỉnh cao hàng chục năm trở lại đây: Đức 7.6%, Pháp 5.1%, Ý 6.8%, Hà Lan 11%...(Số liệu 3/2022).

Lý do thứ hai là chi phí logistics quá cao do chuỗi cung ứng toàn cầu chưa kịp hồi phục, chẳng hạn trước dịch Covid-19, cước vận chuyển tàu biển chỉ khoảng 1.000 - 3.000 USD/container, còn hiện tại là 14.000 - 15.000 USD/container 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ.

Chi phí vận chuyển phụ thuộc rất nhiều vào giá xăng dầu, cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm giá đầu tăng vọt từ 90 USD lên 122-130 USD/thùng dầu Brent. Giới chuyên gia còn dự đoán giá dầu còn có thể tiếp tục lên đến mức 140, 150 USD/thùng. Cuộc chiến này như đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát khi mà các nước đang chật vật đối phó với cơn bão tăng giá hàng hóa, lương thực, thực phẩm. Họa vô đơn chí, bên cạnh đó là chính sách zero covid của Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm việc gãy chuỗi cung ứng cũng nhu làm giảm nhu cầu hàng hóa, nhất là các vật liệu xây dựng như thép.

Nhu cầu thép giảm, đó là dấu hiệu sớm của suy thoái kinh tế. Lý do nhu cầu thép đến từ các ngành công nghiệp lớn trong đó đặc biệt là ngành xây dựng, ngành chế tạo thiết bị và ngành sản xuất xe ô tô, chẳng hạn như ở Mỹ năm 2018, ngành chế tạo ô tô chiếm 28% nhu cầu thép hàng năm, ngành xây dựng chiếm 44%. Tỷ lệ chung trên thế giới năm 2020 thì ngành xây dựng chiếm 49%, ngành chế tạo thiết bị chiếm 16% sau đó mới tới ngành ô tô chiếm 9%.

Hình 3: Thép tiêu thụ xếp theo ngành năm 2018 của Mỹ

Nguồn: AISI Profile 2019 & AcerlorMittal USA Marketing

Hình 4: Thép tiêu thụ xếp theo ngành năm 2020 toàn cầu

Nguồn: Steelonthenet.com

Hình 5: Số lượng xe bán ra giảm 3 tháng 3,4,5 ở Mỹ

Nguồn: Statista

Dù không thể dự báo được thời điểm nhu cầu thép hồi phục một cách máy móc như cách của Steelonthenet ở trên, tuy nhiên, nếu Trung Quốc sớm mở cửa nền kinh tế trở lại, cuộc chiến Nga – Ukraine kết thúc và các ngân hàng trung ương thành công trong việc đưa nền kinh tế hạ cánh an toàn thì nhu cầu thép sẽ sớm tăng trở lại. Hơn nữa, trải qua đại dịch thì xu hướng toàn cầu hóa (globalization) dường như đã chậm hẵn, xu hướng địa phương hóa (localization) quay trở lại, đầu tư sẽ nhiều ở các nước khác thay thế cho “công xưởng” Trung Quốc.

Ngành thép: Đầu tư nóng trở lại

Trái ngược với việc suy thoái của cổ phiếu thép, ngành thép đang đầu tư nóng trở lại với các dự án rất lớn: Dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát công suất 5.6 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư dự kiến 85.000 tỷ đồng đã chính thức khởi động từ tháng 12/2021, bên cạnh đó có 2 dự án khủng mới công bố gần đây là dự án thép Xuân Thiện ở Nam Định công suất 8.4 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư 98.000 tỷ đồng[1] và dự án Vina Roma công suất 4.5 triệu tấn/năm ở Quảng Trị với tổng mức đầu tư 47.000 tỷ đồng[2].

Điểm đặc biệt trong thời kỳ này là các công ty chú trọng đầu tư vào thép dẹt mà thép cán nóng (HRC) là chủ lực. Tổng công suất 3 dự án trên là 18,5 triệu tấn, trong đó thép cán nóng là 14,2 triệu tấn năm, chiếm 76% công suất đầu tư.

Thách thức của các dự án đầu tư này chính là những ràng buộc về lượng phát thải CO2 sắp tới khả năng sẽ được áp dụng rộng rải trên toàn cầu. Ngoài dự án Xuân Thiện Nam Định có công bố áp dụng công nghệ DRI (Direct-Reduced Iron) còn các dự án khác vẫn ứng dụng công nghệ truyền thống là lò cao (Blast Furnace).

Ở Mỹ số lò cao đã giảm từ 125 cái vào thập niên 70s xuống còn 40 cái vào năm 2000. Hiện ở Mỹ, sản lượng thép cung cấp bởi lò cao chỉ còn chiếm 30%, còn lại là thép sản xuất từ thép phế bằng lò hồ quang EAF (Electric Arc Furnace) của các mini mill. Xu hướng đầu tư nhà máy mini mill sản xuất thép từ thép phế đã chiếm ưu thế đối với các thị trường Mỹ và Châu Âu đã diễn ra từ lâu, đây là công nghệ phù hợp cho mục tiêu giảm phát thải khí CO2. Có thể nói ở các nước phát triển, thách thức của chi phí đầu tư nằm phần chính ở phần tuân thủ quy định bảo vệ môi trường.

Có 3 dự án tiêu biểu gần đây ở Mỹ đều đầu tư lò luyện thép hồ quang, đó là dự án của Nucor ở West Virginia, dự án nhà máy Big River Steel ở Osceola, Arkansas và dự án của Steel Dynamics ở Sinton, Texas, tất cả đều có công suất khoảng 3 triệu tấn/ năm chủ yếu sản xuất thép cán nóng HRC, loại chất lượng cao dành cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Sản phẩm cuối cùng là thép tấm mạ kẽm cường độ cao thế hệ 3 (3rd Generation Advanced High Strength Steel- 3 Gen AHSS). Sở dĩ nhấn mạnh điểm này vì gần đây có một số bài báo cho rằng chỉ công nghệ lò cao sản xuất thép từ quặng thì mới có thể sản xuất thép tấm chất lượng cao dành cho ngành công nghiệp ô tô, đây là một nhận định chưa đúng. Các nhà sản xuất thép của Mỹ gần đây đầu tư khá lớn nhằm nâng công suất HRC đáp ứng nhu cầu, dự kiến từ đây tới năm 2025 sẽ có thêm công suất 8 triệu tấn HRC, CRC và GI đi vào hoạt động, điều này có thể dẫn đến giảm nhập khẩu thép dẹt đáng kể. Năm 2021, công suất sản xuất thép của Mỹ đạt hơn 86 triệu tấn/năm, 11 tháng năm 2021 họ đã sản xuất 80 triệu tấn theo American Iron and Steel Institute.

Công suất ngành tôn mạ kẽm Việt Nam hiện tại ước tính khoảng 7.5 triệu tấn, hầu hết phần công suất tăng thêm của giai đoạn 2012-2017 đã đi vào hoạt động đã hơn 5 năm. Sau giai đoạn trầm lắng năm năm để tiêu hóa hết phần công suất này, hiện tại đã xuất hiện các dự án đầu tư mới với ước tính sẽ nâng công suất toàn ngành lên 10 triệu tấn vào năm 2025 và 15 triệu tấn vào năm 2027. Nếu không phát triển được sản phẩm chất lượng cao để khai thác thêm nhu cầu trong nước từ các ngành khác ngoài ngành xậy dựng thì các công ty thép mạ sớm phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt ở thị trường xuất khẩu khi mà thị trường trong nước đã trở lên bé nhỏ so với năng lực sản xuất (Năm 2021 các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khoảng hơn 6 triệu tấn tôn mạ kẽm mạ màu, tăng 34% so với năm 2020).

Bài viết mang tính chất cá nhân, không đại diện cho các cơ quan và tổ chức tác giả đang làm việc hay cộng tác.

 Phan Đình Long



[1] https://scp.gov.vn/tin-tuc/t12868/phe-duyet-du-an-khung-san-xuat-thep-xanh-tai-nam-dinh.html

[2] https://baodautu.vn/vina-roma-de-xuat-dau-tu-khu-lien-hop-gang-thep-quang-tri-hon-47000-ty-dong-d166762.html