Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Ngành tôn thép mùa covid 19- sự hồi phục ấn tượng

 Năm 2020 là một năm may mắn của ngành thép nói chung và ngành tôn mạ kẽm nói chung của Việt Nam. Không ai có thể ngờ rằng có sự hồi phục nhu cầu tôn mạ rất mạnh mẽ, nhất là quý 3/2020 từ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Ngành tôn mạ Việt Nam đã trải qua các năm khó khăn, năm 2018: Mỹ đánh thuế thép và nhôm nhập khẩu; năm 2019: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung rồi đến 2020 là đại dịch Covid 19. Sản lượng sản xuất tôn mạ hầu như không thay đổi trong 3 năm liên tiếp. Năm 2018: 4.4 triệu tấn, năm 2019: 4.2 triệu tấn; năm 2020: 4.4 triệu tấn. Trong lúc công suất toàn ngành ước tính khoảng 8 triệu tấn, tỷ lệ khai thác chỉ đạt trên 50% một chút. Tuy nhiên, việc thừa công suất phần lớn nằm ở phân khúc máy móc công nghệ lạc hậu nên các công ty chú trọng vào đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại và đồng bộ từ Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc vẫn có dư địa cạnh tranh chiếm thị phần. Người dùng được hưởng lợi nhiều nhất, các sản phẩm cao cấp trong nước có thể sản xuất tốt mà không bị phụ thuộc hoàn toàn vào một hai doanh nghiệp FDI như vài năm về trước. Bên cạnh đó, sản phẩm tôn mạ của Việt Nam cũng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế, với mỗi năm xuất khẩu khoản 1.4-1.75 triệu tấn, thu về trên một tỷ USD, góp phần giảm bớt lượng nhập siêu sắt thép, mỗi năm khoảng 5 tỷ USD. Thị phần ngành tôn mạ năm 2020 không thay đổi nhiều so với năm 2019, top 5 doanh nghiệp đầu ngành gồm Tôn Đông Á, Hoa Sen, Tôn Phương Nam, Nam Kim và Tân Vạn Phúc vẫn chiếm trên 75% thị phần ngành.

Hình 1: Top năm doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam năm 2020


Nguồn: VSA

Nhu cầu thép hồi phục vào quý 2 không chỉ ở Việt Nam mà là bối cảnh chung trên nhiều nước. Chẳng hạn tại Ấn Độ, nhu cầu thép phục hồi từ tháng 5/2020, công suất các nhà máy ở đây đều vận hành đạt mức trước dịch, dù là trong tình hình bị phong tỏa do dịch bệnh. Mặc dù các quốc gia đều cần giải quyết tình trạng thâm hụt tài chính dài hạn, hiện tại chắc chắn còn tồi tệ hơn so với trước đại dịch. Nhưng rõ ràng là hiện nay tất cả đang phải đối mặt với một vấn đề khác nghiêm trọng hơn là thâm hụt ngân sách, đó là dịch bệnh Covid 19. Các quốc gia chắc chắn sẽ tung ra các biện pháp cứu trợ và kích thích kinh tế, chẳng hạn như cắt giảm thuế hoặc tăng chi tiêu nhằm giúp đối phó với virus và chống suy thoái ngay cả khi nó làm tăng thâm hụt ngân sách. Tăng chi tiêu ngân sách bằng đầu tư công vào hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải, cung cấp điện, nước là những lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, điều này lý giải tại sao ngành thép vẫn kỳ vọng vào nhu cầu cao trong các quý tới.

               Dù nhu cầu thép có bão hòa tại từng quốc gia theo mô hình chữ U ngược (U-shape), theo tốc độ tăng trưởng GDP, tuy nhiên xét trên quy mô toàn cầu, thì nhu cầu thép luôn tăng trưởng, chưa bao giờ ngừng nghỉ. Các động lực ở đằng sau thúc đẩy nhu cầu sắt thép chính là: Nhu cầu xây dựng nhà cửa, hạ tầng phục vụ quá trình đô thị hóa trên toàn cầu, nhu cầu cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế, nhu cầu đầu tư vào tài sản (fixed assets) và ngành chế tạo như ô tô, máy móc thiết bị, năng lượng...

Hình 2: Biểu đồ thay đổi tiêu thụ sắt thép bình quân đầu người tại các quốc gia

Nguồn: WSA

Chúng ta thấy trên hình 2, nhu cầu thép của Thụy Điển đạt đã đạt đỉnh từ thế kỷ 18, Anh đạt đỉnh ở thế kỷ 19, Mỹ đạt đỉnh ở giữa thế kỷ 20, sau đó là Nga và Nhật Bản, đạt đỉnh vào cuối thế kỷ 20. Lần lượt tiêu thụ thép bình quân đầu người các quốc gia sẽ đạt đỉnh và sau đó giảm dần tới một mức độ ổn định. Ta thấy Trung Quốc đang trong quá trình lên đỉnh, tương tự tại quốc gia lớn như Ấn Độ, tiêu thụ thép hình quân đầu người hiện chỉ đạt 78Kg, trong lúc bình quân thế giới là 225Kg.

Hình 3: Biểu đồ tăng trưởng sản xuất thép toàn cầu


Nguồn: WSA

Xu hướng phát triển của sản phẩm sắt thép nói chung: Khái niệm clean steel, thị trường ngày càng đòi hỏi thép ít tạp chất hơn nhưng đặc biệt thách thức với chi phí sản xuất thấp hơn. Thị trường đòi hỏi các mác thép thông dụng sẽ phải cải thiện cơ tính nhằm thay thế dần các mác thép chuyên dụng, đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các nhà sản xuất đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển. Khái niệm này cũng được hiểu cho nhu cầu sản xuất sạch đối với ngành thép, được xem là một ngành đứng đầu về khí thải CO2 và đứng thứ hai về tiêu thụ năng lượng!

Đình Long