Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022

Review ngắn ngành thép

 Chu kỳ thép

Đã từ lâu các nhà đầu tư, nhất là trên thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, đều xác định ngành thép là ngành có tính chu kỳ. Đầu tư cổ phiếu ngành thép, hay bất kỳ ngành có chu kỳ nào bằng cách mua vào ở giai đoạn thấp điểm và bán ra ở giai đoạn cao điểm là chiến lược tốt nhất. Chỉ có điều không dể dàng gì để xác nhận được chu kỳ ngành để tiến hành ra vào thị trường đúng nhịp. Người ta chỉ biết ngành đã vào chu kỳ suy thoái khi nó đã suy thoái!!!

Hình 1: Biểu đồ thể hiện giảm giá thép cán nóng tại Mỹ (Vui lòng nhấp chuột vào biểu đồ để xem bản lớn)


Nguồn: CNBC

Có một bài phân tích gần đây của trang Steelonthenet cho rằng ngành thép sẽ suy thoái cho đến giữa năm 2023 và phục hồi dần, đạt đỉnh điểm vào Q3,4/2025. Dự báo này dựa trên phân tích chu kỳ của giá thép cán nóng (HRC) và thép dài xây dựng (Rebar) trong vòng 25 năm trở lại đây, một chu kỳ trung bình diễn ra trong khoảng 3-4 năm.

Hình 2: Biểu đồ giá HRC và thép dài trong 25 qua

Nguồn: Steelonthenet.com

Ngành thép có lẽ đã bắt đầu chu kỳ đi xuống từ đầu năm 2022, tuy nhiên cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra làm thiếu hụt cục bộ nguồn cung làm cho nhu cầu có tăng lên một thời gian ngắn trong tháng 3/2022 rồi sau đó tiếp tục suy giảm. Điều này đã được thị trường chứng khoán xác nhận, cổ phiếu thép liên tục giảm giá kể từ cuối năm 2021. Phát biểu của một vị chủ tịch tập đoàn thép lớn cũng đã xác nhận xu hướng này, khi ông cho rằng quý 2,3,4 năm nay sẽ thể hiện sự khó khăn của các công ty thép.

Nhu cầu thép cũng như nhu cầu các loại vật liệu xây dựng và chế tạo khác đều không tăng trưởng như kỳ vọng một khi đại dịch Sars Cov 2 kết thúc. Lý do đầu tiên là các công ty cắt giảm đầu tư do các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Mỹ, buộc phải giảm nới lỏng định lượng và tăng lãi suất khi mà lượng tiền bơm ra trong thời kỳ dịch bệnh đã gây ra lạm phát nặng nề ở Mỹ (8.6%, số liệu tháng 5/2022, cao nhất trong vòng 40 năm qua) và cũng như các nước trên thế giới. Lạm phát ở Châu Âu không thua gì ở Mỹ tất cả đều ở đỉnh cao hàng chục năm trở lại đây: Đức 7.6%, Pháp 5.1%, Ý 6.8%, Hà Lan 11%...(Số liệu 3/2022).

Lý do thứ hai là chi phí logistics quá cao do chuỗi cung ứng toàn cầu chưa kịp hồi phục, chẳng hạn trước dịch Covid-19, cước vận chuyển tàu biển chỉ khoảng 1.000 - 3.000 USD/container, còn hiện tại là 14.000 - 15.000 USD/container 40 feet từ Việt Nam đi Mỹ.

Chi phí vận chuyển phụ thuộc rất nhiều vào giá xăng dầu, cuộc chiến Nga-Ukraine đã làm giá đầu tăng vọt từ 90 USD lên 122-130 USD/thùng dầu Brent. Giới chuyên gia còn dự đoán giá dầu còn có thể tiếp tục lên đến mức 140, 150 USD/thùng. Cuộc chiến này như đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát khi mà các nước đang chật vật đối phó với cơn bão tăng giá hàng hóa, lương thực, thực phẩm. Họa vô đơn chí, bên cạnh đó là chính sách zero covid của Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm việc gãy chuỗi cung ứng cũng nhu làm giảm nhu cầu hàng hóa, nhất là các vật liệu xây dựng như thép.

Nhu cầu thép giảm, đó là dấu hiệu sớm của suy thoái kinh tế. Lý do nhu cầu thép đến từ các ngành công nghiệp lớn trong đó đặc biệt là ngành xây dựng, ngành chế tạo thiết bị và ngành sản xuất xe ô tô, chẳng hạn như ở Mỹ năm 2018, ngành chế tạo ô tô chiếm 28% nhu cầu thép hàng năm, ngành xây dựng chiếm 44%. Tỷ lệ chung trên thế giới năm 2020 thì ngành xây dựng chiếm 49%, ngành chế tạo thiết bị chiếm 16% sau đó mới tới ngành ô tô chiếm 9%.

Hình 3: Thép tiêu thụ xếp theo ngành năm 2018 của Mỹ

Nguồn: AISI Profile 2019 & AcerlorMittal USA Marketing

Hình 4: Thép tiêu thụ xếp theo ngành năm 2020 toàn cầu

Nguồn: Steelonthenet.com

Hình 5: Số lượng xe bán ra giảm 3 tháng 3,4,5 ở Mỹ

Nguồn: Statista

Dù không thể dự báo được thời điểm nhu cầu thép hồi phục một cách máy móc như cách của Steelonthenet ở trên, tuy nhiên, nếu Trung Quốc sớm mở cửa nền kinh tế trở lại, cuộc chiến Nga – Ukraine kết thúc và các ngân hàng trung ương thành công trong việc đưa nền kinh tế hạ cánh an toàn thì nhu cầu thép sẽ sớm tăng trở lại. Hơn nữa, trải qua đại dịch thì xu hướng toàn cầu hóa (globalization) dường như đã chậm hẵn, xu hướng địa phương hóa (localization) quay trở lại, đầu tư sẽ nhiều ở các nước khác thay thế cho “công xưởng” Trung Quốc.

Ngành thép: Đầu tư nóng trở lại

Trái ngược với việc suy thoái của cổ phiếu thép, ngành thép đang đầu tư nóng trở lại với các dự án rất lớn: Dự án Dung Quất 2 của Hòa Phát công suất 5.6 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư dự kiến 85.000 tỷ đồng đã chính thức khởi động từ tháng 12/2021, bên cạnh đó có 2 dự án khủng mới công bố gần đây là dự án thép Xuân Thiện ở Nam Định công suất 8.4 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư 98.000 tỷ đồng[1] và dự án Vina Roma công suất 4.5 triệu tấn/năm ở Quảng Trị với tổng mức đầu tư 47.000 tỷ đồng[2].

Điểm đặc biệt trong thời kỳ này là các công ty chú trọng đầu tư vào thép dẹt mà thép cán nóng (HRC) là chủ lực. Tổng công suất 3 dự án trên là 18,5 triệu tấn, trong đó thép cán nóng là 14,2 triệu tấn năm, chiếm 76% công suất đầu tư.

Thách thức của các dự án đầu tư này chính là những ràng buộc về lượng phát thải CO2 sắp tới khả năng sẽ được áp dụng rộng rải trên toàn cầu. Ngoài dự án Xuân Thiện Nam Định có công bố áp dụng công nghệ DRI (Direct-Reduced Iron) còn các dự án khác vẫn ứng dụng công nghệ truyền thống là lò cao (Blast Furnace).

Ở Mỹ số lò cao đã giảm từ 125 cái vào thập niên 70s xuống còn 40 cái vào năm 2000. Hiện ở Mỹ, sản lượng thép cung cấp bởi lò cao chỉ còn chiếm 30%, còn lại là thép sản xuất từ thép phế bằng lò hồ quang EAF (Electric Arc Furnace) của các mini mill. Xu hướng đầu tư nhà máy mini mill sản xuất thép từ thép phế đã chiếm ưu thế đối với các thị trường Mỹ và Châu Âu đã diễn ra từ lâu, đây là công nghệ phù hợp cho mục tiêu giảm phát thải khí CO2. Có thể nói ở các nước phát triển, thách thức của chi phí đầu tư nằm phần chính ở phần tuân thủ quy định bảo vệ môi trường.

Có 3 dự án tiêu biểu gần đây ở Mỹ đều đầu tư lò luyện thép hồ quang, đó là dự án của Nucor ở West Virginia, dự án nhà máy Big River Steel ở Osceola, Arkansas và dự án của Steel Dynamics ở Sinton, Texas, tất cả đều có công suất khoảng 3 triệu tấn/ năm chủ yếu sản xuất thép cán nóng HRC, loại chất lượng cao dành cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Sản phẩm cuối cùng là thép tấm mạ kẽm cường độ cao thế hệ 3 (3rd Generation Advanced High Strength Steel- 3 Gen AHSS). Sở dĩ nhấn mạnh điểm này vì gần đây có một số bài báo cho rằng chỉ công nghệ lò cao sản xuất thép từ quặng thì mới có thể sản xuất thép tấm chất lượng cao dành cho ngành công nghiệp ô tô, đây là một nhận định chưa đúng. Các nhà sản xuất thép của Mỹ gần đây đầu tư khá lớn nhằm nâng công suất HRC đáp ứng nhu cầu, dự kiến từ đây tới năm 2025 sẽ có thêm công suất 8 triệu tấn HRC, CRC và GI đi vào hoạt động, điều này có thể dẫn đến giảm nhập khẩu thép dẹt đáng kể. Năm 2021, công suất sản xuất thép của Mỹ đạt hơn 86 triệu tấn/năm, 11 tháng năm 2021 họ đã sản xuất 80 triệu tấn theo American Iron and Steel Institute.

Công suất ngành tôn mạ kẽm Việt Nam hiện tại ước tính khoảng 7.5 triệu tấn, hầu hết phần công suất tăng thêm của giai đoạn 2012-2017 đã đi vào hoạt động đã hơn 5 năm. Sau giai đoạn trầm lắng năm năm để tiêu hóa hết phần công suất này, hiện tại đã xuất hiện các dự án đầu tư mới với ước tính sẽ nâng công suất toàn ngành lên 10 triệu tấn vào năm 2025 và 15 triệu tấn vào năm 2027. Nếu không phát triển được sản phẩm chất lượng cao để khai thác thêm nhu cầu trong nước từ các ngành khác ngoài ngành xậy dựng thì các công ty thép mạ sớm phải đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt ở thị trường xuất khẩu khi mà thị trường trong nước đã trở lên bé nhỏ so với năng lực sản xuất (Năm 2021 các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khoảng hơn 6 triệu tấn tôn mạ kẽm mạ màu, tăng 34% so với năm 2020).

Bài viết mang tính chất cá nhân, không đại diện cho các cơ quan và tổ chức tác giả đang làm việc hay cộng tác.

 Phan Đình Long



[1] https://scp.gov.vn/tin-tuc/t12868/phe-duyet-du-an-khung-san-xuat-thep-xanh-tai-nam-dinh.html

[2] https://baodautu.vn/vina-roma-de-xuat-dau-tu-khu-lien-hop-gang-thep-quang-tri-hon-47000-ty-dong-d166762.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét