Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

CHUỖI GIÁ TRỊ NGÀNH THÉP VIỆT NAM, CƠ HỘI VÀ NHỮNG THÁCH THỨC (Phần 2)

Vietnam steel industry value chain and challenges (part 2)
Bài 1: Câu chuyện cấm xuất khẩu quặng sắt và lợi thế của Thép Hòa Phát
(Story of banning iron ore exports and advantages of Hoa Phat Group)
Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản, trong đó " Quặng sắt: Dừng hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt Tổ chức khai thác có hiệu quả dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và các dự án khai thác quặng sắt khác để phục vụ cho các cơ sở sản xuất gang, thép trong nước", đã xác lập vị trí dẫn đầu của Thép Hòa Phát trong ngành thép xây dựng[1].
Dẫn đến sự việc ngày 3/6/2014, 13 công ty đầu ngành của ngành thép đồng loạt “tố” Hòa Phát cạnh tranh không lành mạnh và khẩn thiết gửi VSA kiến nghị chính phủ về việc “xem xét lại chủ trương cấm xuất khẩu quặng sắt”[2].
Trên quan điểm lợi ích cục bộ ngành thép, "việc dừng xuất khẩu quặng sắt đã đẩy giá quặng trong nước từ 2.200 đồng/kg xuống còn 1.200 đồng/kg, chỉ bằng 1/2 giá quặng sắt thế giới" [3]. Sẽ làm các mỏ khai thác quặng lâm vào khó khăn do thiếu đầu ra. Các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ lò cao được hưởng lợi, ví dụ như Hòa Phát và Thép Thái Nguyên vì có được được nguyên liệu với chi phí rẻ. Điều này tạo nên biên lợi nhuận lớn cho HPG, và dĩ nhiên họ có "room" lớn để giảm giá trong cuộc chiến cạnh tranh về giá của ngành thép Việt Nam.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) "ước tính, từ thăm dò sơ bộ đến tất cả các đánh giá tỉ mỉ thì cả nước chỉ có hơn 1,3 tỷ tấn trữ lượng quặng sắt" [4], với tỷ lệ 1.6 tấn quặng sắt mới sản xuất ra 1 tấn gang thì trữ lượng này chỉ đủ dùng cho nhu cầu trong nước trong vòng 30-40 năm tới ! Giả sử ta cứ xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn quặng một năm thì ta có thể tiếp tục bán tài nguyên quặng sắt được 250 năm nữa!
Chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt có lẽ là rút ra từ bài học nhãn tiền của ngành than: từ việc cố gắng khai thác tối đa để xuất khẩu than càng nhiều càng tốt trong bao nhiêu năm nay dẫn đến hệ quả là năm nay Vinacomin đã bắt đầu nhập khẩu trên 40 ngàn tấn than, và theo ước tính của họ trong các năm tới mỗi năm cần nhập hàng chục triệu tấn than![5] Chúng ta đang nghèo nên cứ tiếp tục xuất khẩu tài nguyên để sống, sau này con cháu chúng ta giàu hơn, chúng sẽ phải có trách nhiệm nhập khẩu để trả lại cho đất nước ^-^.
Trở lại với câu chuyện thép Hòa Phát, sau khi giai đoạn 2 của khu liên hợp gang thép Kinh Môn-Hải Dương đi vào hoạt động vào 10/2013 thì sau 9 tháng hoạt động của năm 2014 thì  doanh thu của HPG đã đạt 83% kế hoạch năm, đạt hơn 19 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2750 tỷ đồng, vượt 125% kế hoạch cả năm![6]
Như trong phần 1 của loạt bài Chuỗi giá trị ngành thép này, chúng ta thấy rằng giá trị gia tăng của công đoạn luyện gang từ quặng sắt là quá rõ ràng. Mà hiệu quả kinh doanh của HPG là một minh chứng rất rõ. HPG rõ ràng đã có cái nhìn rất dài hạn về việc chủ động nguồn nguyên liệu quan trọng này. Tôi không đồng ý với các ý kiến của một số nhà phân tích cho rằng HPG biết đón đầu chính sách hay là “lobby” gì đó, lý do, HPG khởi công dự án KLH này từ 2007, đương nhiên họ phải bắt tay nghiên cứu dự án này phải ít nhất 3 năm về trước tức vào 2004. Trong lúc đó các tranh cãi về cấm xuất khẩu quặng chỉ mới manh nha vào đầu 2010 khi các dự án lò cao liên tục xin cấp phép.[7] Và chỉ thị cấm xuất khẩu quặng sắt ban hành vào đầu 2012 nhưng phải đến 2013-2014 mới áp dụng mạnh mẽ. Thậm chí cho là HPG đón đầu chính sách thì mấy ai dám đón đầu với thời gian dài gần cả chục năm như vậy? trong lúc nước ta là nước đang phát triển nên chính sách nước ta chưa có độ ổn định cao.
Năm 2013, McKinsey & Company đã công bố một báo cáo về cạnh tranh trong ngành thép của các nước phát triển OECD cho thấy lợi nhuận trong chuỗi giá trị ngành thép có xu hướng chuyển về phía các nhà khai thác, chế biến quặng và sản xuất gang. Chắc chắn HPG đã sớm nhận ra xu hướng này khi quyết định đầu tư vào dự án KLH Gang thép KM-HD.
Hinh 1: Phân bố lợi nhuận trong chuỗi sản xuất thép HRC tính từ 1995, tỷ đô-la Mỹ

Source: McKinsey & Company Report in the OECD countries (2013)
Chúng ta thấy lợi nhuận của các nhà sản xuất quặng sắt và than coke tăng dần từ tỷ trọng 19% ở năm 1995 lên đến 74% vào năm 2011 và dự báo tiếp tục giữ tỷ trọng này trong trung hạn.
Biểu đồ cũng đã cho thấy nguyên nhân rất rõ ràng là doanh thu của ngành thép Việt Nam tuy tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại giảm sút. Lý do chúng ta nhập khẩu 100% thép dẹt HRC cho các công đoạn sản xuất gia công sau cán nóng mà có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn các công đoạn trước HRC.
Dù vậy, các công ty trong ngành không dể gì theo đuổi chiến lược đầu tư của HPG, với tổng mức vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến 8000 tỷ đồng. Đó là cái khó về nguồn tài chính.
Mặc dù Thép Thái Nguyên đã được hưởng lợi từ việc sở hữu một quy trình sản xuất khép kín tương tự HPG nhưng bao nhiêu năm qua họ chưa có được tỷ suất lợi nhuận như HPG! Đó là cái khó về tổ chức quản trị công ty của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như các công ty tư nhân Việt Nam. “Thép Hòa Phát chỉ cần 7 năm để hoàn tất toàn bộ Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép trên diện tích 90 ha; trong khi đó sau 7 năm Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Cty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên vẫn chưa biết ngày về đích"[8]
Cuối cùng, nếu nói “Ngành thép: Phần lớn lợi nhuận rơi vào tay Hòa Phát” [9] như tiêu đề một bài của The Infonet, thì dù sao họ là một công ty Việt, tiền vẫn nằm ở VN. Trong thời gian tới ta sẽ thấy cảnh “phần lớn lợi nhuận” chảy vào công ty nước ngoài, đó chính là khi dự án Formosa Hà Tĩnh đi vào hoạt động. Như vậy, các công ty tập đoàn thép trên thế giới luôn luôn đi trước một bước, họ vẫn tiếp tục kiếm được phần lợi nhuận cao nhất trong chuỗi giá trị ngành, mặc cho chính phủ đã nhận thức và đã thực thi chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt ! Các công ty trong ngành chắc chắn đã nhận thức được việc phải làm gì để sinh tồn trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày nay, tuy nhiên có hai câu hỏi cụ thể hơn cần trả lời là làm bằng cái gì và làm như thế nào?

Đình Long


[1] http://thuvienphapluat.vn/archive/Cong-van-14531-BTC-CST-2014-xuat-khau-quang-sat-Quy-Xa-doi-luu-nhap-khau-than-coc-vb253514.aspx
[2] http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20140604/doanh-nghiep-thep-lai-to-canh-tranh-khong-lanh-manh/610957.html
[3] http://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/noi-tinh-chuyen-13-dong-nghiep-to-hoa-phat-96982.html
[4] http://vneconomy.vn/thi-truong/that-thu-thue-hang-nghin-ty-tu-xuat-khau-quang-sat-20130707103226750.htm
[5] http://cafef.vn/hang-hoa-nguyen-lieu/nhap-khau-than-nghich-ly-duoc-bao-truoc-2014101212035097014ca39.chn
[6] Trích báo cáo KQ SXKD HPG 16/10/2014 gửi UBCKNN.
[7] http://www.thesaigontimes.vn/Home/travel/aroundtown/30693/
[8] http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/bai-3-dang-long-nhin-hang-xom.html
[9] http://cafef.vn/doanh-nghiep/nganh-thep-phan-lon-loi-nhuan-roi-vao-tay-hoa-phat-201408271223301006ca36.chn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét