Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017

Các thương vụ sáp nhập lớn của ngành thép Nhật Bản

The major mergers of Japanese steel industry recently
Ngành thép trên thế giới đứng trước áp lực toàn cầu hóa, bên cạnh đó là sự đòi hỏi khắc nghiệt về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao lợi thế kinh tế về quy mô. Dưới sức ép của các áp lực trên, xu hướng tập trung hóa trong ngành thép thế giới ngày càng tăng, các nhà sản xuất lớn nhất Nhật Bản cũng không ngoại lệ, mức độ tập trung hóa ngành thép ngày càng cao thông qua các thương vụ hợp nhất liên tục trong thời gian qua.
Thương vụ mới nhất: Nippon Steel and Sumitomo Metal Corporation mua Nisshin Steel (2017)
Ngày 3 tháng 7 năm 2017,  Nippon Steel and Sumitomo Metal Corporation (NSSMC) đã hoàn tất thương vụ mua công ty Nisshin Steel[1], công ty thép đứng thứ tư ở Nhật Bản về sản lượng thép thô sản xuất[2], đồng thời cũng là một công ty chuyên về thép mạ hợp kim nhôm, kẽm và ma giê, thép đặc biệt, thép không rỉ, CRC và HRC. NSSMC đã chi khoảng 651 triệu USD để nâng tỷ lệ sở hữu tại Nisshin từ 8.3% lên 51%, và Nisshin Steel chính thức trở thành công ty con của Nippon Steel.
Đã từ lâu, ngành thép Nhật Bản là một ngành có mức độ tập trung hóa cao (high market concentration), phần lớn sản lượng nằm trong tay bốn công ty lớn: Nippon Steel, JFE, Kobe và Nisshin, tổng sản lượng sản xuất của bốn công ty này năm 2016 chiếm đến 82% lượng sản xuất cả nước, tương tự là 81% trong năm 2015.
Bảng 1: Các nhà sản xuất thép hàng đầu Nhật Bản trong năm 2015 & 2016
Xếp hạng
Công ty
Sản lượng thép thô sản xuất năm 2015, triệu tấn
Sản lượng thép thô sản xuất năm 2016, triệu tấn
1
Nippon Steel and Sumitomo Metal Corporation
44.5
45.3
2
JFE Steel Corporation
29.7
30.5
3
Kobe Steel, Ltd.
7.5
7.2
4
Nisshin Steel Co.,Ltd.
3.98
2.8
Nguồn: WSA và báo cáo tài chính các của công ty trên
Sau khi sáp nhập Nippon Steel sẽ dẫn đầu thị phần thép mạ kẽm, hợp kim nhôm kẽm và ma giê tại thị trường trong nước. Theo luật chống độc quyền, cả hai bên đã đồng ý sẽ chuyển giao công nghệ và thương hiệu ZAM[3] cho bên thứ ba, đây một loại công nghệ mạ kẽm mới có chứa Nhôm và Ma-giê đang được phát triển trên thế giới thời gian gần đây (Kẽm + 6% Nhôm + 3% Ma giê), lý do Nippon Steel cũng có công nghệ tương tự với thương hiệu SuperDyma[4] và cả hai công ty chiếm 100% thị phần sản phẩm mạ này ở Nhật Bản nên Ủy ban Thương Mại công bằng Nhật Bản (Japan's Fair Trade Commission – FTC) đã yêu cầu phải chuyển giao công nghệ này cho một công ty khác để đảm bảo tính không độc quyền, Kobe Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ ba ở Nhật Bản, được xem là một đối tác tiềm năng để chuyển giao[5].
Ngoài ra Nippon Steel & Sumikin Stainless Steel (NSSC) là một công ty con của Nippon Steel hiện tại là nhà sản xuất thép không rỉ lớn thứ nhất ở Nhật Bản (Nisshin là công ty lớn thứ hai), sau khi mua lại Nisshin thì Nippon Steel chiếm hơn 50% thị phần thép không rỉ của Nhật Bản
Vụ sáp nhập này không phải chỉ đem lại lợi ích cho chỉ Nippon Steel mà nó được xem là có lợi cho cả hai bên. Nisshin Steel đã ghi nhận lỗ khá nhiều năm, các chỉ số tài chính đều xấu hơn của Nippon Steel, lý do thị trường thép không rỉ vốn cạnh tranh rất gay gắt hơn là thị trường thép chất lượng cao của Nippon Steel. Thua lỗ liên tục nên Nisshin đã quyết định đóng cửa một lò cao vào năm 2015
Sau thương vụ sáp nhập này thì thị trường thép Nhật Bản càng trở nên tập trung hơn, khi mà phần lớn năng lực sản xuất thuộc về top ba nhà sản xuất thép bằng lò cao lớn nhất đất nước, mà đứng đầu là Nippon Steel & Sumitomo, tiếp theo là JFE Holdings, đứng thứ ba là Kobe Steel. Nippon Steel có năng lực sản xuất khoảng 47 triệu tấn thép thô / năm, nó sở hữu 14 lò cao tại Nhật Bản, 2 trong số chúng sẽ ngừng hoạt động trong năm 2018 [6].
Trung bình trong năm năm từ 2012-2016, sản lượng của ba ông lớn Nippon Steel & Sumitomo, JFE Holdings và Kobe Steel chiếm đến 78% thị trường thép Nhật Bản, với sản lượng thép thô bình quân năm năm qua xếp lần lượt là 46 triệu tấn, 30 triệu tấn và 7.3 triệu tấn. Nippon Steel & Sumitomo, JFE Holdings và Kobe Steel chiếm lần lượt là 43%, 28% và 7% tổng sản lượng cả nước [7]
Nippon Steel Corp sáp nhập Sumitomo Metal Industries – 2012[8]
Đây là thương vụ sáp nhập lớn nhất ngành thép Nhật Bản kể từ vụ sáp nhập giữa Yawata Steel và Fuji Steel hình thành nên Nippon Steel vào năm 1970, lớn hơn cả thương vụ sáp nhập vào năm 2002 giữa Kawasaki Steel và NKK Corp hình thành nên JFE Holdings
Trước khi sáp nhập, năm 2011, sản lượng của Nippon Steel là 33.3 triệu tấn trong khi sản lượng của Sumitomo Metal In. là 12.7 triệu tấn. Sau sáp nhập năng lực sản xuất của NSSMC là 46 triệu tấn, chỉ xếp thứ hai thế giới sau Arcelor Mittal lúc đó sản lượng đạt 92 triệu tấn. Tài sản phân bố là 70% của Nippon Steel và 30% của Sumitomo Metal, mặc dù là nói sáp nhập công bằng, tuy nhiên thực tế là Nippon Steel nắm quyền điều khiển công ty.
Mục đích của cuộc sáp nhập là tái cấu trúc hai công ty theo hướng hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược toàn cầu hóa  do cả hai công ty đều có thế mạnh bởi có mạng lưới công ty con ở nước ngoài. Gia tăng lợi thế cạnh tranh cả về mặt quy mô, chi phí, công nghệ và dịch vụ khách hàng. Ngoài ra theo một số nguồn tin không chính thức thì cuộc sáp nhập còn có mục đích tránh bị đối thủ nước ngoài thôn tính, đặc biệt là một đối thủ tiềm năng là Arcelor Mittal
JFE Holdings – Kết quả của thương vụ hợp nhất 50/50 giữa Kawasaki Steel và NKK Corp - 2002
JFE Holdings hiện là là công ty sản xuất thép lớn thứ 8 trên thế giới với sản lượng năm 2015 là 29.8 triệu tấn. Đây là kết quả của vụ sáp nhập lớn thứ hai trong ngành thép Nhật Bản, sau thương vụ sáp nhập giữa Nippon Steel và Sumitomo Metal. Tài sản hình thành là 50/50 từ NKK Corp (Nihon Kōkan Kabushiki-gaisha), lúc đó là nhà sản xuất thép lớn thứ hai của Nhật Bản và Kawasaki Steel, lúc đó là nhà sản xuất lớn thứ ba Nhật Bản. Cả hai công ty vốn là những nhà đóng tàu quân sự chính của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai. Vụ sáp nhập này được cho là dể dàng thành công vì lý do hai công ty rất tương đồng về văn hóa và nguồn gốc, tài sản ngang nhau. Lúc đó cả NKK và Kawasaki đều có sản lượng tương đương nhau, khoảng 12-13 triệu tấn/năm.
Đình Long



[1] "NSSMC and Nisshin Steel’s Joint Statement" http://www.nssmc.com/en/company/message/nisshin.html
[2] Sản lượng thép thô của Nisshin khoảng 4 triệu tấn /năm được sản xuất bởi 2 lò cao của họ tại Kure Works ở tỉnh Hisroshima. Sản lượng thép không rỉ khoảng 800,000 tấn/năm được sản xuất bởi hai lò hồ quang
[3] Thương hiệu đăng ký của Nisshin Steel. http://www.zam.biz/en/about/
[4] Thương hiệu đăng ký của Nippon Steel & Sumitomo Metal Corporation
[5] "Nippon Steel, Nisshin shedding problematic assets ahead of buyout" http://asia.nikkei.com/Business/Deals/Nippon-Steel-Nisshin-shedding-problematic-assets-ahead-of-buyout
[6] "Japan's Nippon Steel to take control of smaller rival as supply glut bites" http://www.reuters.com/article/nisshin-steel-nippon-steel-idUSL3N15F0SL
[7] Tác giả thống kê từ báo cáo thường niên của 3 công ty thép Nhật Bản: Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp, JFE Holdings và Kobe Steel
[8] "Nippon Steel & Sumitomo Metal Corporation was founded" http://www.nssmc.com/en/news/20121001_01.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét