Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Ngành thép Trung Quốc đứng trước áp lực hợp nhất

The pressure of consolidation in the China steel industry
Ảnh: Lò cao của Baosteel tại nhà máy Trạm Giang, Quảng Đông, Trung Quốc
Ngay từ đầu những năm 2000, Trung Quốc (TQ) đã nhận thấy họ có một ngành thép có độ phân rã quá lớn hay nói cách khác là mức độ tập trung hóa ngành quá thấp (low market concentration). Một thị trường với rất nhiều công ty nhỏ cạnh tranh nhau, không một ai có thể gây ảnh hưởng hoặc dẫn dắt được thị trường, một thị thường rời rạc như vậy mang lại rất nhiều bất lợi, các doanh nghiệp không có lợi thế kinh tế về quy mô, các công ty nhỏ cạnh tranh gay gắt nhau, đầu tư nâng công suất ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu, mặt khác, các công ty nhỏ rất khó đầu tư được các máy móc thiết bị và công nghệ mới. Gần đây, sản lượng thép dư thừa hàng năm chiếm đến hơn 10% nhu cầu tiêu thụ đi kèm với các hệ lụy môi trường càng gây sức ép lên chính phủ trong việc thực thi chiến lược nâng cao mức độ tập trung hóa ngành thép. Vào năm 2005, khi sản lượng thép 356 triệu tấn, tăng trưởng 30% so với năm 2004, 273 triệu tấn, TQ nhận thức rõ cung sẽ sớm vượt cầu nếu không có chính sách kiểm soát. Tập trung hóa ngành là một trong các giải pháp, do đó họ đã đặt mục tiêu phải đạt được tỷ lệ tập trung hóa (concentration ratio) ngành thép là 50% đến năm 2010, tức là 10 công ty thép lớn nhất nước sẽ chiếm được một sản lượng ít nhất là 50% tổng sản lượng thép cả nước vào năm 2010 và 70% vào năm 2020 [1]. Tuy nhiên thực thi được chính sách này là không hề dể dàng, lý do vào thời điểm đó nhu cầu thép của TQ rất cao, các công ty thép làm ăn tốt, lợi nhuận cao, đương nhiên họ không mong muốn mình phải sáp nhập vào với ai. Mặt khác, rất khó cân bằng giữa lợi ích của chính quyền trung ương và địa phương, khi mà các công ty thép chính là các cột sống kinh tế quan trọng của các địa phương.
Hậu quả là ngành thép TQ phân bố rất phân tán, năm 2015, top 10 công thép lớn nhất nước chỉ đạt tỷ lệ sản lượng 34.3% trên sản lượng cả nước.
Bảng 1: Top 10 nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc trong năm 2015
Xếp hạng
Công ty
Sản lượng thép thô sản xuất năm 2015, triệu tấn
Sản phẩm chính
1
Hesteel Group
47.7
HRC, CRC, GI
2
Baosteel Group
34.9
HRC, CRC, plates, strip
3
Shagang Group
34.2
Springs, bearings, tube
4
Ansteel Group
32.5
CRC, GI, PCM
5
Shougang Group
28.6
Screws, rainforcing bars, round bars
6
Wuhan Steel Group
25.8
HRC, CRC, GI
7
Shandong Steel Group
21.7
Plates, pipes, profiles, strip, wire
8
Maanshan Steel
18.8
Wire rods, billets, pipes
9
Tianjin Bohai Steel
16.3
Plates, coils, billets, pipes
10
Jianlong Group
15.1
HRC, wire, pipes
Nguồn: WSA và Bloomberg
Sự hình thành Hesteel (Hebei Iron & Steel Group - HBIS) - 2008
Năm 2008, hai công ty thép lớn nhất tỉnh Hà Bắc là Tangsteel và Hansteel đã sáp nhập lại với nhau  hình thành nên Hesteel hay Hebei Steel, do trước đó đã khá nhiều vụ sáp nhập các công ty khác với Tangsteel cũng như Hansteel nên sau khi sáp nhập vào năm 2008 thì Hebei Steel đã có trong tay 7 công ty con gồm Tangshan Steel, Xuanhua Steel, Chengde Steel, Handan Steel, Wuyang Steel, Henshui Steel Sheet and Shougang Jingtang Iron and Steel
Trước đó, vào năm 2005, tỉnh Hà Bắc có đến 202 nhà máy thép, tuy nhiên phần lớn là các nhà máy nhỏ. Hai nhà máy lớn nhất lúc đó là Tangshan Steel & Iron có sản lượng năm 2005 là 7.6 triệu tấn, và nhà máy Handan Iron & Steel có sản lượng 6.8 triệu tấn, cả hai nhà máy đều là thuộc sở hữu nhà nước. Lúc đó, chính quyền tỉnh Hà Bắc đã có mong muốn sáp nhập 202 công ty thép này tạo nên thành 40 công ty lớn.
Năm 2007, Tangshan Iron and Steel Corp, sản xuất 22.75 triệu tấn thép thô, trong khi đó Handan Iron and Steel Corp sản xuấy được 9 triệu tấn. Sau sáp nhập, Hebei Steel sẽ có công suất hơn 30 triệu tấn / năm[2]. Số liệu ở bảng 1 cho thấy sản lượng năm 2015 của Hebei Steel là 47.7 triệu tấn, là steelmaker lớn nhất TQ từ lúc sáp nhập cho đến nay và đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Arcelor Mittal (92.5 triệu tấn năm 2015). Tuy nhiên đến năm 2016-2017 thì vị trí thứ nhất của Hebei Steel sẽ thuộc về tay Baosteel (Baoshan Iron and Steel) sau thương vụ sáp nhập Wuhan Iron and Steel.
Baosteel sáp nhập Wuhan Iron & Steel, trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất TQ và là nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới[3] - 2016
Theo một nguồn tin của Bloomberg, chính phủ TQ sẽ quyết liệt thực thi định hướng sáp nhập ngành thép của họ, đặc biệt sẽ định hướng sau các vụ sáp nhập lớn thì cả nước sẽ có hai gã khổng lồ (giant) sản xuất thép, một ở phía nam và một ở phía Bắc[4].
Theo đó Hebei Steel và Shougang sẽ sáp nhập với nhau tạo thành công ty thép Miền Bắc (Northern China Steel Group), trong khi đó Baosteel sáp nhập với Wuhan (Vũ Hán) tạo thành công ty thép Miền Nam (Southern China Steel Group), một nỗ lực vừa tập trung hóa được ngành thép và kiểm soát sản lượng, mặt khác nâng tầm quy mô lên để cạnh tranh dần dần với người khổng lồ thép thế giới là Arcelor Mittal (Với sản lượng thép thô là 90.8 triệu tấn năm 2016 giảm so với 92.5 triệu tấn năm 2015).
Bảng 2: Top 10 nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới trong năm 2015
Xếp hạng
Công ty
Sản lượng thép thô sản xuất năm 2015, triệu tấn
1
Arcelor Mittal
97.1
2
Hebei Steel Group
47.7
3
Nippon Steel and Sumitomo Metal Corporation
46.4
4
POSCO
42
5
Baosteel Group
34.9
6
Shagang Group
34.2
7
Ansteel Group
32.5
8
JFE Steel Corporation
29.8
9
Shougang Group
28.6
10
Tata Steel Group
26.3
Nguồn: WSA
Ngày 23 tháng 9 năm 2016, Baosteel chính thức sáp nhập với đối thủ nhỏ hơn, là Wuhan I&S (Wisco), là một công ty thép hàng đầu của tỉnh Vũ Hán. Baosteel làm một công ty thép thuộc sở hữu nhà nước, là một nhà sản xuất thép hàng đầu TQ kể cả về quy mô và chất lượng sản phẩm, máy móc thiết bị tiên tiến và phần lớn là nhập khẩu từ Châu Âu và Nhật Bản, định hướng công nghệ xanh, với chiến lược đúng đắn, phù hợp xu thế thời đại, Baosteel luôn là một công ty thép có lợi nhuận tốt. Trong lúc Wisco là một công ty có gánh nặng nợ lớn và chỉ chờ có người ứng cứu. Thương vụ sáp nhập này được cho là một cuộc hôn nhân sắp đặt, rõ ràng là không hài lòng về phía Baosteel khi đang phải chật vật tồn tại mà phải chia sẽ lợi nhuận để cứu Wuhan.
Việc sáp nhập hai ông lớn này lại với nhau mà không cần phải cắt giảm sản lượng tổng cộng, lý do cả hai công ty đều đầu tư các nhà máy khá mới với trang thiết bị và công nghệ tiên tiến và đã thải loại các công nghệ cũ thời gian gần đây. Dựa trên sản lượng năm 2015 (bảng 1) của hai công ty thì sau sáp nhập công suất của Baosteel, lúc này gọi là Baowu (Bao Vũ), sẽ hơn 60 triệu tấn /năm, vượt qua “liên minh” Hebei Steel để xếp hạng thứ nhất TQ và vượt qua Hebei Steel để đứng thứ nhì thế giới.
Tiếp theo là thương vụ hợp nhất giữa Ansteel và Benxi Steel
Hai công ty khá đồng nhất về cơ sở vật chất và thị trường và cả hai đều thuộc tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), thương vụ hợp nhất này đã được chính phủ TQ đưa vào kế hoạch khá lâu, ngay từ những năm 2005 [5], tuy nhiên đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Lý do là Ansteel thuộc sự quản lý của chính quyền trung ương, trong lúc Benxi lại trực thuộc tỉnh Liêu Ninh, sự thất bại trong đàm phán được cho là do không thống nhất được việc ghi nhận doanh thu và thuế thuộc trung ương hay địa phương cũng như không phân định được ai có trách nhiệm tái phân bố lực lượng lao động[6]. Bản thân Ansteel là kết quả của thương vụ sáp nhập giữa Anshan Steel và Panzhihua Steel (thuộc tỉnh Tứ Xuyên) vào năm 2010[7]. Cả hai công ty đều trực thuộc chính quyền trung ương nên việc sáp nhập khá dể dàng.
Năm 2016 câu chuyện sáp nhập này lại tiếp tục đưa ra thảo luận trong một nỗ lực tập trung hóa ngành thép của chính phủ TQ. Giả sử lấy sản lượng thực tế năm 2015 để tính thì sản lượng của Ansteel là 32.5 triệu tấn cộng với sản lượng của Benxi Steel là 15 triệu tấn sẽ ra tạo ra một sản lượng không hề nhỏ - 47.5 triệu tấn, xếp hạng thứ ba, thứ tư thế giới!

Đình Long




[1] “Hebei steel companies to consolidate” http://www.chinadaily.com.cn/bizchina/2005-11/17/content_584177.htm
[2] “Large steel group emerges in Hebei” http://www.chinadaily.com.cn/business/2008-06/12/content_6756099.htm
[3] “China Baosteel's takeover of Wuhan to create world's No. 2 steelmaker” http://www.reuters.com/article/us-china-baosteel-mergers-idUSKCN11Q0U3
[4] “China Said to Mull Mergers to Create Two State Steel Giants” https://www.bloomberg.com/news/articles/2016-08-01/china-said-to-consider-mergers-to-create-two-state-steel-giants-irbltcmf
[5] “Progress in Anshan and Benxi steel merger by the year end” http://www.langesteel.com/onews.asp?id=30527 (Source: China Daily, 26/6/2010)
[6] “Ansteel, Benxi Steel to make new merger effort” http://www.globaltimes.cn/content/1007362.shtml
[7] “China approves Anshan Steel merger with Panzhihua” http://www.reuters.com/article/us-china-steel-merger-idUSTRE64O2G020100525

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét