Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

Thăng trầm ngành tôn mạ kẽm Việt Nam (Lược sử ngành tôn mạ kẽm VN)


A brief history of Vietnam's galvanizing industry.
Giai đoạn 1990 – 2000: Buổi bình minh của ngành tôn mạ kẽm Việt Nam.
Khoảng cuối thập niên 60, ở miền nam Việt Nam đã có một số nhà máy sản xuất tôn lá mạ kẽm, với công nghệ và thiết bị của Nhật Bản. Các dây chuyền này sử dụng tôn nguyên liệu dạng tấm để mạ, sử dụng phương pháp gia nhiệt bằng lớp chì trong chảo mạ. Chiều dày lớp kẽm bám trên hai mặt băng tôn được điều chỉnh bằng cách điều chỉnh khe hở một cặp trục, gọi là trục mạ. Có thể nói đây là giai đoạn sơ khai của ngành tôn mạ kẽm Việt Nam, giai đoạn này tôn nguyên liệu (thép cán nguội) chủ yếu nhập khẩu từ Liên Xô, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sau năm 1975 các nhà máy này được tiếp quản và chuyển về nhà máy Vinaton. Từ khoảng năm 1987 -1991 là giai đoạn nhà máy Vinaton khôi phục lại sản xuất cho hai dây chuyền mạ tấm, cải tạo một số thiết bị để có thể thay thế phụ tùng ở Việt Nam.
Giai đoạn thành hình mạnh mẽ của ngành tôn mạ kẽm Viêt Nam có lẽ được khởi đầu khi tập đoàn thép Posco của Hàn Quốc ký kết hợp tác với nhà máy Vinaton để thành lập nên công ty liên doanh Posvina vào tháng 4/1992. Mặc dù mang danh nghĩa liên kết với một tập đoàn thép tầm cỡ thế giới lúc bấy giờ, tuy nhiên thực chất Posvina không được hỗ trợ kỹ thuật công nghệ gì về ngành mạ kẽm, thay vào đó đội ngũ kỹ thuật của nhà máy tự nghiên cứu và cải tạo dây chuyền từ mạ tấm (mạ lá) sang kiểu mạ cuộn, một số thiết bị được nhà máy tự thiết kế và đặt gia công chế tạo trong nước như máy xả cuộn và máy cuốn cuộn. Khi Posvina thực hiện xong việc cải tạo dây chuyền mạ lá thành mạ cuộn thì trong ngành cũng có một số nhà máy bắt đầu chế tạo lắp đặt dây chuyền mạ kẽm kiểu này. Mãi sau này đến năm 2002, Posvina mới nâng cấp dây chuyền mạ kẽm lên kiểu có hai tháp bù. Năm 2002 Posco E&C, một công ty con của Posco cung cấp dây chuyền mạ màu đầu tiên cho Posvina. Dây chuyền có tốc độ trung tâm lớn nhất 30 m/phút, công suất 22,000 tấn/năm. Lúc đó công suất nhà máy tôn mạ kẽm và mạ màu này là 40,000 tấn/năm. Posvina được xem như cái nôi đầu tiên trong việc cung cấp nhân lực kỹ thuật và công nghệ cho ngành tôn mạ kẽm của Việt Nam. Giai đoạn này sử dụng công nghệ mạ trục và trợ dung ướt (wet-flux) hoặc trợ dung khô (dry-flux), vẫn sử dụng phương pháp mạ từ tấm ra tấm (sheet to sheet) rất lạc hậu, công suất thấp, môi trường sản xuất đặc biệt độc hại do hơi lưu huỳnh chống ôxy hóa tại chảo mạ. Công nghệ mạ trục phổ biến trên thế giới trong khoảng từ những năm 1930-1970, vốn có giới hạn tốc độ lớn nhất chỉ 60 m/phút, tuy nhiên do vốn đầu tư cho dự án rất hạn chế thời bấy giờ nên Việt Nam vẫn phải sử dụng những công nghệ rất cũ, lạc hậu gần 30 năm so với thế giới. Mãi cho đến những năm 1998-99 công nghệ mạ ở Việt Nam cũng chưa có thay đổi lớn, chỉ trừ Posvina nâng cấp từ mạ tấm lên mạ cuộn (coil to coil) và lắp dao gió cho dây chuyền mạ, đánh dấu lần đầu công nghệ mạ dao gió được áp dụng tại nước ta. Công suất mạ toàn ngành rất thấp, chưa tới 100,000 tấn/năm.
Mốc hình thành một số nhà sản xuất tôn mạ kẽm chính như sau:
Năm 1996: Cty Liên doanh Maruviena đưa vào vận hành dây chuyền mạ kẽm đầu tiên.
Năm 1997: Cty Liên doanh Tôn Phương Nam bắt đầu vận hành dây chuyền mạ kẽm đầu tiên.
Năm 1998: Tôn Đông Á thành lập, năm 1999 đưa vào vận hành dây chuyền mạ kẽm đầu tiên.
Năm 1999: Tôn Phước Khanh đầu tư nhà máy mạ.
Năm 2001: Tôn Hoa Sen ra đời
Năm 2002: Tôn Nam Kim ra đời
Năm 2003: Tân Vạn Phúc xây dựng nhà máy mạ ở Long An
Năm 2004: Lilama đầu tư một nhà máy tôn mạ kẽm mạ màu ở Vĩnh Phúc, sau chuyển thành VN Steel Thăng Long.
Năm 2005: Bluescope Steel Vietnam đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thép mạ hợp kim nhôm - kẽm và mạ màu đặt tại khu công nghiệp Phú Mỹ 1, tỉnh BR-VT, sau đổi tên thành NS Bluescope.
Năm 2005: Sunsco (Maruichi Sun Steel) đưa vào hoạt động dây chuyền mạ kẽm đầu tiên tại Bình Dương, mặc dù đã được thành lập khá lâu trước đó, vào năm 1996 với tên Vina Tafong Iron & Steel.
Giai đoạn 2000 – 2010: Hình thành ngành và giai đoạn cấu trúc ngành lần thứ nhất.
Năng lực sản xuất của ngành mạ kẽm có một bước tiến lớn vào năm 2004, từ con số 100 ngàn tấn/ năm nhảy vọt lên hơn 500 ngàn tấn/năm. Đây là thời kỳ bùng nổ lần thứ nhất của ngành tôn mạ kẽm Việt Nam, thay đổi lớn nhất trong thời kỳ này là bắt đầu phổ biến ứng dụng công nghệ dao gió trong công đoạn mạ kẽm từ năm 2004. Công nghệ sử dụng không khí nén hoặc khí ni-tơ với áp suất thấp và lưu lượng cao để điều khiển lớp mạ chất lỏng vốn được sử dụng từ rất nhiều năm về trước trong ngành công nghiệp sản xuất giấy. Mãi cho đến những năm đầu thập niên 70 thì người ta mới sử dụng công nghệ này vào ngành mạ kẽm, đi đầu là nhà sản xuất thép mạ kẽm của Úc, John Lysaght, lúc đó họ có đã có 5 dây chuyền mạ kẽm liên tục sử dụng dao gió. Ở Việt Nam thì công nghệ mạ dao gió đầu tiên được triển khai tại nhà máy Posvina với thiết bị dao gió được cung cấp bởi GTE, một nhà cung của Hàn Quốc, lắp đặt và đưa vào hoạt động trong năm 1998.
Dù sản xuất trong nước có sản lượng nhảy vọt tới năm lần so với năm 2000 thì nhu cầu tôn mạ kẽm vẫn rất cao, gấp 1.5 lần so với năng lực sản xuất trong giai đoạn này. Cầu lớn hơn cung nên thị trường là của người bán, người mua không quan tâm đến chất lượng. Một thời kỳ ngọt ngào!
Huy hoàng không được lâu, chỉ sau một năm, đến 2005 thì ngành tôn mạ Việt Nam gặp cuộc khủng hoảng lần thứ nhất, cả sản xuất và tiêu thụ đều giảm hơn 10% so với năm 2004. Tình hình này cũng là chung cho ngành thép, nguyên nhân chính là sự tăng giá thép cán nóng (Hot Rolled Coils -HRC) liên tục từ 2004 cho đến đầu 2005 và giảm mạnh vào giữa cuối năm 2005.
Từ 2005 đến 2010 ngành tôn mạ Việt Nam có những bước phát triển tốt, sản lượng tôn mạ sản xuất trong nước đã đạt trên 1,2 triệu tấn vào năm 2010. Đây là giai đoạn bắt đầu hiện đại hóa ngành tôn mạ kẽm, các nhà  sản xuất tập trung vào đầu tư dây chuyền mạ kẽm với công nghệ hiện đại, sử dụng dao gió thế hệ mới, sử dụng lò ủ không ô-xy hóa (Non Oxidizing Process - N.O.F.) và chảo mạ kẽm ceramic gia nhiệt bằng các cuộn cảm (inductor) từ năm 2008 trở đi. Quy trình NOF vốn được phát triển vào thập niên 60, là một bước cải tiến lớn từ quy trình Sendzimir có từ thập niên 50, quy trình này gia nhiệt băng tôn dưới ngọn lửa trực tiếp đạt đến 600-650℃ trong khoang lò được khử hết Oxy, mục đích để đốt cháy lượng dầu bảo vệ và dầu cán trên bề mặt băng tôn, đồng thời tẩy lớp rỉ sét trên bề mặt băng tôn. Sau công đoạn này là công đoạn khử oxit sắt (reduction) để hoàn nguyên băng tôn trước khi xuống chảo mạ, tạo tiền đề cho lớp kẽm phản ứng với sắt để bám dính tốt lên băng tôn. Sơ lược vậy để thấy ngành mạ nước ta đã từng lạc hậu như thế nào, phải đến 40 năm sau khi ra đời quy trình này mới được đưa vào ứng dụng.
Đặc biệt giai đoạn này đánh dấu việc ngành mạ kẽm Việt Nam bắt đầu tự sản xuất được tôn nguyên liệu, tức thép cán nguội (Cold Rolled Coils - CRC), sản lượng thép cán nguội đạt 1,75 triệu tấn vào năm 2010.
Giai đoạn 2010 – 2020: Giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ của ngành tôn mạ kẽm, tái cấu trúc ngành lần hai.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, để lại nhiều hệ lụy cho các quốc gia, đặc biệt là đối với Việt Nam, khi mà trong giai đoạn 5 năm 2002-2007, VN luôn ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7.8% và để tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài. Đến khi khủng hoảng tài chính xảy ra thì kinh tế Việt Nam luôn nằm trong đà tăng trưởng thấp và lạm phát cao, đỉnh điểm của lạm phát năm 2008 là 20% và kéo dài cho đến năm 2011 thì nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn chồng chất thêm: Lạm phát vẫn ở mức cao, hơn 18%, lãi vay ngân hàng lên tới 24%, nhà nước tái cấu trúc ngành ngân hàng và giữ trần lãi suất huy động ở 14%, điều chỉnh giảm giá đồng tiền so với USD 9.3%. Thị trường bất động sản đóng băng, giá vàng tăng vọt lên 45 triệu đồng/ lượng, VNindex sụt giảm nghiêm trọng từ trên 500 điểm xuống dưới 350 điểm. Trong bối cảnh đó, ngành thép Việt Nam nói chung cũng như ngành tôn mạ nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Có thể nói đây là cuộc khủng hoảng lần thứ hai của ngành tôn mạ rất non trẻ. Đây là năm đầu tiên mà sản lượng tôn mạ sản xuất trong nước vượt nhu cầu tiêu thụ, sản xuất đạt 1,5 triệu tấn nhưng tiêu thụ thấp hơn số đó.
Tái cấu trúc ngành lần thứ hai
Sau cuộc khủng hoảng lần này, ngành tôn mạ kẽm đã bắt đầu hình thành một cấu trúc ngành mới, xuất hiện các công ty dẫn đầu có thị phần vượt trội, mức độ tập trung ngành rất cao, thị trường phần lớn nằm trong tay 5 doanh nghiệp đầu ngành. Năm 2016, tốp 5 công ty đầu ngành có sản lượng chiếm tới 77% tổng sản lượng toàn ngành[1]. Đặc trưng của giai đoạn này là thiên về tăng trưởng số lượng hơn là chất lượng. Các công ty đều cố gắng kéo dài chuỗi sản xuất tối đa nhằm tìm thêm giá trị gia tăng để đối đầu với cuộc cạnh tranh giá rất gay gắt. Phải nói là chiến lược dẫn đầu chi phí thấp bằng lợi thế quy mô năng lực sản xuất, chiếm lĩnh thị phần là xu hướng chủ đạo.
Giai đoạn 2012-2017 là giai đoạn bùng nổ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất ngành. Công suất đầu tư tăng vọt lên rất nhiều so với giai đoạn đầu tư trong những năm 2005-2010. Trong xu hướng đó đã có một số các doanh nghiệp chọn xu hướng tăng trưởng quy mô vừa phải nhưng tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách lựa chọn đầu tư các công nghệ mới hàng đầu từ Nhật Bản và Châu Âu, điển hình là Tôn Đông Á hay các công ty mới tham gia ngành vào 2018 - 19 như Hòa Phát hay Pomina. Từ năm 2016, thị trường đã có xu hướng dịch chuyển mạnh về hướng chất lượng sản phẩm nên một số công ty có thị phần lớn buộc phải theo đuổi chiến lược này như Nam Kim hay Hoa Sen.
Giai đoạn tái cấu trúc ngành lần này là sự nổi lên dành thị phần của các công ty trong nước như Tôn Đông Á, Hoa Sen, Nam Kim, Phương Nam và Tân Vạn Phúc, các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài như Maruichi Sun Steel, NS Bluescope, CSVC đã lọt ra ngoài bảng xếp hạng top 5-7 công ty đầu ngành. Về mặt chất lượng sản phẩm, các công ty này cũng bị cạnh tranh rất mạnh bởi các doanh nghiệp nội đi theo hướng chất lượng, điển hình như Tôn Đông Á, một trong những công ty có những sản phẩm mạ kẽm, mạ lạnh và mạ màu có thể cạnh tranh về mặt chất lượng với sản phẩm với các công ty này. Nhiều công ty khác cũng bị loại ra trong bảng xếp hạng từ những năm giữa thập niên 2000s, chẳng hạn như Posvina, Đại Thiên Lộc, Tân Phước Khanh… Năm 2014 cũng chứng kiến sự giải thể của liên doanh Posvina, chấm dứt sứ mạng 16 năm như là một chất xúc tác cho ngành mạ Việt Nam phát triển.
Những dấu hiệu của đợt tái cấu trúc ngành lần thứ ba
Cuộc khủng hoảng ngành mạ lần thứ ba cũng xảy ra trong thập niên này, đó là hệ lụy của cuộc tranh chấp về thuế giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo các khoản thuế nhập khẩu các sản phẩm thép vào Mỹ tăng cao, nhiều hàng rào phòng vệ thương mại lần lượt được dựng lên, bắt đầu từ Mỹ, Trung Quốc, sau đó lan rộng ra các khu vực Châu Á, Châu Âu và toàn cầu.
Ngày 08/03/2018, Mỹ đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm theo Section 232 đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962, bằng hình thức tăng thuế nhập khẩu. Trong đó, một số sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải chịu mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm, bao gồm các sản phẩm của ngành tôn mạ kẽm: mạ lạnh, mạ kẽm và mạ màu.
Tổng công suất ngành mạ Việt Nam hiện đã đạt đến 7 triệu tấn/ năm, trong lúc đó tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 4 triệu tấn/năm, nhập khẩu sản phẩm mạ khoảng 1.5 triệu tấn/năm, do đó hàng năm thường xuất khẩu đi 1.5 triệu tấn, vốn cũng chỉ mới khai thác khoảng 60% công suất, hiện nay thị trường xuất khẩu đã bị co hẹp đáng kể làm cho dư cung rất lớn. Từ quý 2-3 năm 2018 toàn ngành mạ đã thu hẹp sản xuất, có công ty phải cắt giảm đến 25% lực lượng lao động, đóng cửa tạm thời hoặc cắt giảm sản lượng nhiều nhà máy. Nhiều công ty bán bớt các nhà máy, cơ sở, bán cả nhà máy đang xây dựng để thu hồi vốn đầu tư tăng cường vốn lưu động để giảm áp lực tài chính. Phần lớn các nhà máy chỉ duy trì được công suất đạt 50-60% so với định mức.
Cuộc khủng hoảng lần này hầu như đã được dự đoán trước, khi mà trong thời kỳ 2012-2017 xảy ra sự bùng nổ trong đầu tư mở rộng quy mô sản xuất của ngành mạ, rất nhiều nhà phân tích đã đưa ra các cảnh báo lệch pha cung cầu rất nghiêm trọng tuy nhiên có vẻ như các nhà sản xuất tôn mạ vẫn chưa tính là sẽ có một cuộc khủng hoảng đến sớm như vậy. Cuộc khủng hoảng lần này dù chỉ mới xảy ra hơn một năm nhưng đã cho thấy sự tái cấu trúc thị trường đang diển ra mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Các công ty định hướng quy mô đang nhường thị phần cho các công ty định hướng theo chất lượng sản phẩm: Hoa Sen đã giảm 28% thị phần, từ mức 35% của năm trước còn lại hơn 25%, tương tự Nam Kim giảm từ 14% xuống còn 12%. Trong lúc đó mức tăng trưởng thị phần của Tôn Đông Á đạt 32%, tăng từ mức 14% lên 18.5%, tương tự Tôn Phương Nam tăng trưởng từ 7% lên 9.45%.
Hình 1: Diển tiến thay đổi thị phần ba năm gần nhất (2017, 2018, 2019 lần lượt từ trái sang phải)
Nguồn: VSA
Giai đoạn 2020 – 2030: Giai đoạn bão hòa và ổn định, tái cấu trúc ngành lần thứ ba
Giai đoạn 10 năm tới thị trường tôn mạ kẽm Việt Nam sẽ có nhiều biến chuyển mặc dù công suất ngành sẽ tương đối ổn định, mảng thị trường tấm lợp sẽ bão hòa. Thứ nhất là mức độ tập trung ngành sẽ giảm đi, tức có nhiều công ty có thị phần tương đương nhau trong top 5-7 doanh nghiệp đầu ngành. Thứ hai là các doanh nghiệp định hướng sản phẩm chất lượng cao và có quy mô sản xuất khá lớn sẽ chiếm thế tiên phong. Sẽ có nhiều phân khúc sản phẩm mới ra đời, tôn mạ kẽm không chỉ dùng cho tấm lợp mà sẽ dần bước sang cung ứng cho ngành công nghiệp điện máy gia dụng như tivi, tủ lạnh, máy giặt, lò nướng, máy điều hòa không khí... Thứ ba là các công ty bắt đầu chuyển sang cạnh tranh nhau bằng dịch vụ khách hàng và thương hiệu, nhất là trong mảng thị trường tấm lợp, lý do chất lượng sản phẩm các công ty sẽ dần tiệm cận đến nhau. Thứ tư là giai đoạn này sự phát triển của ngành ưu tiên phát triển theo chiều sâu và nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời kéo dài chuỗi sản xuất ra thêm. Thứ năm là xu hướng nghiên cứu để sản xuất sản phẩm mới, chẳng hạn tôn mạ kẽm có chứa thành phần Ma-giê. Thứ sáu là sự đe dọa của sản phẩm thay thế đến từ ngành thép không rỉ, ngành nhôm hay sản phẩm nhựa ngày càng lớn.
Bài viết có sử dụng một số thông tin từ các đàn anh đi trước, xin cám ơn anh Nguyễn Kim Quy, nguyên Phó phòng kỹ thuật Công ty Liên doanh Posvina và anh Ngô Ngọc Bách, nguyên Phó giám đốc Công ty Liên doanh Maruviena về các thông tin và tư liệu quý báu.
Đình Long

6 nhận xét:

  1. bài viết hay quá ạ.Cám ơn anh và mong anh có thể viết nhiều bài hơn, mang lại những kiến thức và mở rộng hiểu biết của mọi người về ngành thép

    Trả lờiXóa
  2. bài viết hay quá ạ.Cám ơn anh và mong anh có thể viết nhiều bài hơn, mang lại những kiến thức và mở rộng hiểu biết của mọi người về ngành thép

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết đầy đủ và chi tiết. Cám ơn anh rất nhiều. Cho phép em chia sẻ lên trang tanhongphuc.vn nhé anh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. rất mong nhận được nhiều phân tích từ chú. chúc chú sức khỏe và thành công.

      Xóa